Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức

Kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc có nhiều cố gắng.

Công tác phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung được quan tâm, coi trọng và đầu tư phát triển. Việc phát triển nhà ở trong nhiều năm qua đạt kết quả tương đối khả quan, nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành Xây dựng. Đó là, thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập.

Công tác quy hoạch tuy đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch.

Thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ; chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội…

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải có bước đi đồng bộ, cụ thể để khắc phục các hạn chế, yếu kém này, mà trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức. Theo Thủ tướng, nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết được cũng do vương mắc về tư duy, nhận thức.

“Bỏ mặc” cho Giám đốc Sở Xây dựng thì sao quy hoạch bảo đảm chất lượng?

Bộ Xây dựng cũng phải tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển.

Lựa chọn để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa tới cả nước.

Về công tác quy hoạch, Thủ tướng nhắc lại tinh thần phải có tầm nhìn, bài bản, lớp lang; khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển bất động sản, phát triển đô thị.

“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng nói và nêu rõ, “phải là Bí thư, Chủ tịch tỉnh mới nắm được trọng tâm phát triển của địa phương, nếu bỏ mặc cho Giám đốc Sở Xây dựng thì làm sao công tác quy hoạch có thể bảo đảm chất lượng, đúng trọng tâm”.

Nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể về phá vỡ quy hoạch khiến hạ tầng quá tải tại một số đô thị, Thủ tướng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch.

Tránh dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Xây dựng phải có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

“Phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau.

Phải thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư.

Thủ tướng cũng nhắc tới hàng loạt ví dụ thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của các cơ chế này.

“Tại sao tư nhân đầu tư rất nhiều vào các nghĩa trang mà không có ai đầu tư vào công viên? Tại sao có những công viên lớn với hàng trăm người làm việc mà vẫn ngày càng xuống cấp?” Thủ tướng cho rằng thực tế này đặt ra những câu hỏi cần giải đáp về mặt cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, các công trình công cộng phục vụ người dân, nhà ở và cả trụ sở cơ quan Nhà nước...

Phân tích nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, theo Thủ tướng, việc triển khai cơ chế hợp tác công tác phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông cho rằng, không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà ngược lại, “thu hút được chỉ 1 đồng vốn tư nhân cũng quý”.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Bộ Xây dựng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực…

Nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt

Báo cáo tại buổi làm việc, , Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, Bộ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010).

Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt kết quả đề ra như nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn chậm…

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa Bộ và các bộ, ngành khác; xem xét, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…