Ngày 3/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bước sang giai đoạn 2. 

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng lưu ý, dịch lần 2 phức tạp, đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cho nên, không được chủ quan, tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”.

“Tinh thần là thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”, người đứng đầu Chính phủ nói và nêu rõ, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Cùng với đó, không để đứt gãy nền kinh tế, đỗ gãy các loại hình doanh nghiệp.

Rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động.

Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển ổn định, trong khi đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Theo báo cáo, tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Dù vậy, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (xăng dầu tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; tivi tăng 12,5%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%, phân urê tăng 9%).

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020…

Những tháng còn lại của năm 2020 dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường.

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ.

Theo Thủ tướng, sức khoẻ nền kinh tế có những dấu hiệu đang mừng. Chúng ta đã tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu “kép”, vừa khoanh vùng dập dịch kịp thời với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP Đà Nẵng, vừa giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

“Nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy”, Thủ tướng ví von về sức khỏe nền kinh tế và chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài.

Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu
 

Xây dựng kịch bản điều hành cụ thể

“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh một lần nữa, quyết liệt không để dịch bệnh lây lan, đồng thời tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tất cả các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của chúng ta ở mức độ vừa phải.

Vì vậy, các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan được yêu cầu đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021.

“Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Về việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, nhưng theo Thủ tướng, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch COVID-19 quay trở lại.

Cạnh đó, việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, cần giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quyết định kỳ thi THPT

Liên quan đến kỳ thi THPT, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định và giao Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung.

Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, các bộ liên quan phải bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Thời gian thi và các vấn đề có liên quan khác, có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong từng địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh và phụ huynh, cho giáo viên là vấn đề đặt ra gắt gao.

 

Các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới nhận định ngày 30/7, dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn chịu đựng tốt, dự báo Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới năm 2020 với mức tăng 2,8%.

Tạp chí Nhà Kinh tế nhận định Việt Nam là nơi “trú ẩn” ưa thích của các nhà đầu tư, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Theo nhận định của lãnh đạo Chính phủ, đây là cơ sở, là niềm tin của các nhà đầu tư và các định chế tài chính về kinh tế Việt Nam.

Hương Giang