Ngày 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.

Đẩy mạnh các gói hỗ trợ

Mở đầu cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, dịch bệnh COVID-19 bùng phát diện rộng trên toàn cầu, diễn biến phức tạp, chưa dừng lại, nhất là tại các đối tác lớn của nước ta.

Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có. Theo thống kê, nếu tháng 4, tổng các gói “kích” tài khóa là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD.

Về tình hình trong nước, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững, song theo Thủ tướng, cần nhận diện rõ rủi ro, đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

“Làm thế nào để thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI, đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn FDI khu vực và toàn cầu trong lúc dịch chuyển các dòng vốn thì là một khuyết điểm, sai lầm lớn.

Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhận định, dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.

Theo TS Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng…

Chung quan điểm, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn các gói hỗ trợ. Theo ông Lịch, các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ cứu doanh nghiệp, mà cần kích thích họ khởi nghiệp sáng tạo. Nhất trí giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn, ông Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là "người mua hàng lớn nhất" với các sản phẩm "made in Việt Nam".

Chuyên gia Bùi Đức Thụ cũng góp ý, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho họ thì không thể chỉ làm trong một năm.

Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, theo ông Thụ, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, gồm tái cơ cấu đầu tư, lao động... tăng sức chống chịu nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Quang Hiếu
 

Không để đứt gãy ngành trọng yếu

Quan điểm của các chuyên gia nhận được sự đồng tình của Hội đồng. Theo đó, Hội đồng đề xuất, nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn. Trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống.

Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Ngành Ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn thuế, phí, lệ phí.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn…

Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát theo từng quý.

“Đề nghị với Hội đồng và các thành viên, hỗ trợ cho Chính phủ công tác xây dựng, phản biện chính sách, các cấp, các ngành đặc biệt các ngành kinh tế tổng hợp, tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương”, Thủ tướng nói và yêu cầu, các ngành có liên quan phải lắng nghe, phải thường xuyên đối thoại, giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Hương Giang