Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, khai mạc sáng nay, ngày 7/7.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu khái quát 4 nội dung trọng tâm của hội nghị, trong đó có kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách 5 năm 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm 2021-2025.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu khi thảo luận về kinh tế - xã hội, cần làm rõ vai trò đầu tàu của kinh tế TP đã làm được như thế nào, đóng góp những gì và mặt nào cần phải làm tốt hơn nữa.

“Lâu nay nói TP HCM được coi là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng cái đó không tự nhiên mà có, mỗi giai đoạn đều phải nỗ lực mới giữ được vai trò đó” - ông Nhân nói. 

Theo ông Nhân, trước hết phải xác định xem quy mô kinh tế của TP tăng trưởng như thế nào và đóng góp vào nền kinh tế cả nước ra sao. Giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP chiếm bình quân khoảng 17% kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2001-2010 tỷ lệ này tăng lên 20% và giai đoạn 2011-2019 kinh tế TP chiếm hơn 22% kinh tế cả nước.

“Điều đó cho thấy khi nói vai trò đầu tàu là tỷ trọng đóng góp của TP cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên”, ông Nhân nói.

Về cường độ kinh tế của TP HCM trên một đơn vị cây số vuông so với cả nước cũng không ngừng tăng lên. Giai đoạn 1996-2000 thì trên 1 cây số vuông của TP HCM tạo ra giá trị gia tăng gấp 27 lần so với bình quân cả nước, giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần bình quân cả nước.

“Nếu chúng ta trên một đơn vị diện tích gấp 35 lần, có nghĩa là sau khoảng 3 năm giá trị tăng cao tạo ra trên 1 đơn vị diện tích bằng bình quân cả nước hơn 100 năm”, ông Nhân nói và cho rằng, mật độ kinh tế của TP rất cao.

“Cơ sở nào để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào nền kinh tế cả nước ngày càng tăng?” - trả lời câu hỏi này, ông Nhân cho rằng, cơ sở đầu tiên đó là năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước, gấp 2,7 lần. Đây là chỉ số rất quan trọng và thành công khi giữ được lợi thế năng suất lao động luôn cao hơn cả nước.

Mặc dù vậy, ông Nhân cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP nếu giai đoạn 2001-2010 bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ còn bằng 1,2 lần. “Có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng có một nguyên nhân trong 20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển ngày càng giảm, trong khi đóng góp vào ngân sách cả nước ngày càng tăng” - ông Nhân nói và cho rằng TP HCM là địa phương giảm mạnh nhất.

So sánh với các tỉnh, thành khác trong 20 năm đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30 lên 35% (TP HCM giảm từ 33 xuống còn 18%), Hải Phòng giảm từ 100% xuống còn 78%.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vị trí đầu tàu kinh tế của TP không chỉ là tăng trưởng mà còn ở đóng góp vào ngân sách cả nước.

Một vấn đề khác mà ông cũng lưu ý là việc thu hút vốn đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài vào TP. “Trong nhiệm kỳ này tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài TP huy động được so với tổng vốn đầu tư nước ngoài của toàn quốc không tăng lên” - ông nói và dẫn chứng: Năm 2015 đầu tư nước ngoài của TP chiếm 13,4% so với cả nước, năm 2016 chiếm 13,7%, năm 2017 chiếm 14,2%, năm 2018 chiếm 14,7 và đến năm 2019 cũng chỉ chiếm 14,7%.

Ông cho rằng đây là kết quả nỗ lực rất đáng trân trọng của Đảng bộ TP HCM, bởi vì với diện tích nhỏ, càng thu hút đầu tư nhiều mật độ càng cao. Nếu không chuẩn bị khu công nghiệp để đón thì nhà đầu tư nước ngoài không vào. Muốn giữ vững vai trò đầu tàu thì phải thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, phải chuẩn bị hạ tầng thật tốt.

Một số vấn đề khác Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý là phát huy sáng tạo trong ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết vùng tuy đã phát triển nhưng nhìn lại 5 năm chưa có đột phá. Công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế của TP, nhưng đất đai dành cho lĩnh vực này rất thấp, khoảng 10.000ha (không kể bất động sản) và chỉ chiếm 5% quỹ đất của TP HCM.

Nghiêm Lan