Chiều ngày 22/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung của Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương Báo cáo của Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.

Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các bộ, ngành; TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, nội dung giám sát tập trung vào công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo, điều hành, cũng kết quả thực hiện.

Trong đó, làm rõ việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân; tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân đột xuất và tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; tiếp công dân gắn liền với giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, rà soát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài; thanh tra công vụ về công tác này…

Từ đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Nhà ở…

Bày tỏ quan điểm đồng tình, Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy nhận định, đây là chuyên đề có nội dung giám sát rộng, phức tạp và được dư luận xã hội quan tâm.

“Với vai trò được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp, có báo cáo giải trình đầy đủ với Đoàn Giám sát về các nội dung khi được yêu cầu”, ông Lê Sỹ Bảy nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.X 

Thanh tra Chính phủ cũng đồng tình rất cao với các mục đích của hoạt động giám sát chuyên đề này. Nhất là mục đích “kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo”.

Ông Lê Sỹ Bảy cho hay, một trong những căn nguyên làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập như Luật Đất đai.

Theo ông, Thanh tra Chính phủ thống kê, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai. “Tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai chiếm từ 60-70%”, ông Lê  Sỹ Bảy thông tin.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là chuyên đề quan trọng, liên quan đến nhiều luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm.

Cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch và đề cương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, giám sát phải trả lời cho được câu hỏi “vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, trong đó, có nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài”; xác định nội dung có trọng tâm; chỉ rõ nơi làm tốt, nơi làm tốt.

“Phải kiến nghị cụ thể với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về trách nhiệm, thời hạn giải quyết các vụ việc phức tạp; lựa chọn một số vụ việc phức tạp để phối hợp các cơ quan có liên quan tập trung giải quyết triệt để, tạo điểm nhấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung giám sát là lĩnh vực rộng liên quan đến nhiều cơ quan.

Vì vậy, Đoàn Giám sát cũng cần phải giải quyết tốt mối quan hệ với các cơ quan; phối hợp chặt chẽ nhằm tạo hiệu quả tốt nhất trong quá trình giám sát; tạo chuyển biến căn bản, ban đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hương Giang