Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90%

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TP sẽ tạo động lực cho Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; giúp TP có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng.

“Về cơ bản, không có ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; cũng như cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách Nhà nước và nợ công, không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ và các địa phương”, Bộ trưởng nói.

Trên cơ sở tiếp thu kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung nghị quyết. Đó là, nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của TP để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội….

Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung thêm 3 nội dung mới, gồm: HĐND TP Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức). Ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Ngân sách TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Phải có sự đồng thuận của nhân dân

Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung bổ sung mới Chính phủ trình.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Song về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương hưởng 100%), đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND TP quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Báo cáo thẩm tra dẫn cơ chế đã cho phép TP Hồ Chí Minh, đó là  thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP đã ban hành một số chính sách thu phí, lệ phí như: Ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô, điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao; điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu…

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc để lại toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cho ngân sách TP.

“Có thể mức để lại cho TP Hà Nội bằng khoảng 70% so với mức Chính phủ đề xuất là hợp lý. Tuy có thấp hơn so với mức thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh nhưng thể hiện đúng nghĩa Thủ đô vì cả nước trong bối cảnh khó khăn cân đối ngân sách Nhà nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Hải nêu quan điểm ý kiến trong cơ quan thẩm tra.

Về hiệu lực, Dự thảo Nghị quyết quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020 được áp dụng cho đến khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 nhưng không quá ngày 1/8/2025.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị xem lại quy định này vì thời gian áp dụng Nghị quyết thí điểm tối đa là 5 năm, không gắn với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hương Giang