Sáng ngày 23/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Trình bày tờ trình, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, sau khi ban hành luật 2006, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn.

“Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ”, ông Long nói.

Tuy nhiên, luật hiện hành đã bộc lộ các tồn tại, bất cập. Vì vậy, theo ông Long, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 là cần thiết.

Buộc thông báo nhiễm HIV với “bạn tình”

Dự thảo luật được xây dựng dựa trên hai chính sách: Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Theo đó, đã bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó.

Dự luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm quyền lợi của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và tăng hiệu quả cho công tác giám sát, kiểm soát dịch HIV/AIDS.

Thẩm tra dự thảo luật, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội lưu ý, chính sách thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương  tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV.

“Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt là quyền bảo mật thông tin của cá nhân và cần phù hợp với khuyến nghị của quốc tế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban này dẫn chiếu Hướng dẫn Quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người và Cơ quan Phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc thì “việc không bảo mật được thông tin cá nhân liên quan đến HIV có thể dẫn đến tình trạng người dân tránh không sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV”.

Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Miễn phí xét nghiệm HIV là không khả thi

Một vấn đề nữa, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, dự thảo luật bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đó, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác được miễn phí.

Cơ quan thẩm tra cho hay, Báo cáo Tổng kết thi hành luật và Báo cáo Đánh giá tác động chính sách có nhận định “kinh phí Nhà nước để cung cấp xét nghiệm miễn phí là không khả thi trong giai đoạn hiện nay” song chính sách này vẫn được duy trì.

“Đề nghị Chính phủ giải trình thêm về nguồn lực thực hiện chính sách “miễn phí”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu.

Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cũng đề nghị, Ban Soạn thảo giải trình thêm về tính hợp lý, tính công bằng, tính thực tiễn của quy định này.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Trung bình, hằng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV.

Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.

Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AID. 

Hương Giang