Sáng ngày 23/2, tiếp tục chương trình phiên họp 53, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ với sự tham gia của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động.

“Kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm 9 vấn đề.

Xác định rõ tình trạng “tham nhũng vặt”

Trong đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội về kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị báo cáo cụ thể kết quả đạt được trong việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế; kết quả thực hiện việc “sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp”.

Bên cạnh đó, làm rõ những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục.

Cụ thể là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chậm, việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp còn chưa kịp thời; việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế nhất định; tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số lượng các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện; công tác phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm về tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, báo cáo bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này.

Theo báo cáo của Uỷ ban Pháp luật, việc tăng thứ bậc xếp hạng toàn cầu như báo cáo nêu là hết sức tích cực (ví dụ về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 3 bậc...) nhưng so sánh với các nước ASEAN thì vẫn xếp thứ 5 hoặc 6.

Đánh giá việc chậm triển khai các công trình trọng điểm

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phải làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; bổ sung phân tích, đánh giá việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63/2018/QH13.

Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án.

Cụ thể, các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư bao gồm: 1 dự án là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi) và công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm (dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...).

Cạnh đó, đánh giá đầy đủ hơn về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước (thu từ thuế, phí và thu từ quyền sử dụng đất) để phản ánh rõ hơn về kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2020 trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Đề nghị nói trên cũng được báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề cập khi tham gia thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ.

Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế gửi Thường vụ Quốc hội còn đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ tác động của việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước  và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành

Theo Ủy ban Kinh tế, tới nay, việc triển khai thu phí tự động không dừng đã chậm 2 năm so với yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội. 

Hương Giang