Chiều ngày 13/5, tiếp tục phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Đề xuất cho địa phương bố trí vốn được tham gia làm cao tốc

Theo tờ trình của Chính phủ, với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188,2 km. Quy mô 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài khoảng 53,7 km. Quy mô 6 - 8 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km. Quy mô 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng.

Dự án sử dụng từ 5 nguồn vốn: Nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông vận tải (khoảng 33.494 tỷ đồng); nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (khoảng 9.620 tỷ đồng); nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư (khoảng 8.358,5 tỷ đồng); nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 (khoảng 13.796 tỷ đồng); nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Về tiến độ của 3 dự án, dự kiến chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

leftcenterrightdel
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) 

Để triển khai dự án, Chính phủ đề nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù. Cụ thể, cho áp dụng 3 cơ chế chính sách liên quan đến chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp đầu tư dự án quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Cạnh đó, là cho phép trình trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án.

"Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp và các địa phương đã đồng thuận cao bằng văn bản tham gia một phần vốn ngân sách địa phương. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án bằng vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương", tờ trình nêu.

Để thuận lợi cho việc phân cấp, Chính phủ kiến nghị phân chia dự án thành phần theo nguyên tắc cơ bản nằm trong địa bàn một tỉnh.

Địa phương không thực hiện được thì Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí cần đầu tư các dự án này. Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất “cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án”.

Đến nay mới chỉ có nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết bố trí 670 tỷ đồng, chưa có nghị quyết của HĐND các tỉnh còn lại cam kết số vốn bố trí.

“Theo quy định của pháp luật, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói và đề nghị bổ sung, làm rõ để bảo đảm tính khả thi cho các dự án này.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói, kết luận của Bộ Chính trị mới phát hành gần đây, nên mới có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nghị quyết của HĐND, 7 tỉnh còn lại do “quá gấp” nên Thường trực HĐND, Tỉnh ủy đã thống nhất cho phép UBND tỉnh có văn bản.

“Hy vọng trước khi Quốc hội thảo luận thì sẽ có nghị quyết của các địa phương lên quan đến số vốn hơn 8.300 tỷ đồng”, ông Thể nói. Theo Bộ trưởng, khi phân cấp thì chắc chắn sẽ trình Quốc hội quy chế rõ ràng trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành và địa phương để cơ bản hoàn thành các dự án này trong nhiệm kỳ này.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện đầu tư dự án cao tốc thì sử dụng nguồn vốn Trung ương. Trong điều kiện khó khăn, cấp bách, kết hợp vốn Trung ương và vốn địa phương, nếu Quốc hội đồng ý thì như một cách thí điểm.

Tuy nhiên, ông Huệ lưu ý, các dự án này Chính phủ chịu trách nhiệm trình. Cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Giao thông Vận tải và các bộ có liên quan.

“Dù là ngân sách địa phương, địa phương cam kết nhưng nếu không thực hiện được thì Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm vì địa phương cam kết với Chính phủ. Tôi đề nghị báo cáo thẩm tra trình Quốc hội nêu rõ chuyện này”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Ông Vương Đình Huệ nói thêm, nguyên tắc là “không áp đặt” các địa phương bỏ vốn làm cao tốc. Địa phương không làm được thì nói thẳng.

“Nếu cam kết thế rồi mà không có tiền thì dở khóc, dở cười”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nói và nhấn mạnh một lần nữa, đầu tư làm cao tốc là trách nhiệm của Trung ương chứ không phải địa phương.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, tiến độ phân kỳ, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 là “không khả thi” vì giờ đã gần giữa năm 2022 rồi.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải có cam kết trách nhiệm; địa phương cam kết với Chính phủ; bộ, ngành cam kết với Chính phủ. Chính phủ cam kết Quốc hội. “Không phải việc đại sự đưa ra bấm nút rồi làm được chăng hay chớ thì không hết trách nhiệm”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ. 

Hương Giang