Ngày 12/5, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 28, thẩm tra về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, thảo luận là đề xuất bỏ “điều kiện riêng” đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) vào các TP trực thuộc Trung ương.

Có chỗ ở hợp pháp là được nhập hộ khẩu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay, luật hiện hành quy định các “điều kiện riêng” về đăng ký thường trú để hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các TP lớn, nhưng không thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

Theo số liệu từ Bộ Công an, số người đăng ký tạm trú và không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thường xuyên sinh sống, làm việc tại các TP trực thuộc Trung ương là rất lớn, chiếm gần 23% dân số tại các TP này.

“Quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013”, Thứ trưởng Ngọc nói.

Từ những bất cập trên, Chính phủ đề nghị, bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Theo đó, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, TP nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, TP đó.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật cũng bãi bỏ khoản 3, khoản 4, Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành. “Quy định các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các TP trực thuộc Trung ương chỉ hạn chế nhập hộ khẩu chứ không hạn chế được tình trạng gia tăng dân số cơ học”, Dự thảo Báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cũng bày tỏ quan điểm tán thành, theo Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH Đoàn Bình Dương), không nên đặt ra chế độ riêng biệt khi chúng ta quản lý Nhà nước, quản lý dân cư thống nhất.

“Việc đặt ra các điều kiện trong việc nhập hộ khẩu ít nhiều tạo tâm lý kỳ thị trong một bộ phận người dân”, ông Hồng cho hay, và đánh giá, việc bỏ “các điều kiện riêng” có nhiều mặt tích cực như về mặt kinh tế sẽ giúp kích cầu về thị trường lao động và bất động sản.

“Trong xu thế xã hội hiện nay, người dân được lựa chọn nơi cư trú. Không phải như trước đây cứ phải vào nội đô, các TP trực thuộc Trung ương, tôi dự báo thời gian tới sẽ có xu hướng dịch chuyển ngược lại, nhất là trong tình trạng dịch COVID hiện nay”, ông nói.

 “Là đại biểu của Thủ đô, tôi rất trăn trở”

Ở quan điểm khác, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương là vấn đề “cần cân nhắc thận trọng”.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể. Ảnh: quochoi.vn

Phân tích sâu hơn, luồng ý kiến này nhấn mạnh nhiều chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa… đang gắn với quyền lợi của người có đăng ký thường trú. Vì vậy, khi mà cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các TP trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các TP lớn.

“Với trách nhiệm của một đại biểu của Thủ đô, tôi rất trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương”, bà Đào Tú Hoa (ĐBQH Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Theo bà Hoa, đây là việc rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của người dân mà lớn hơn nữa là ảnh hưởng đến an ninh trật tự của TP, đặc biệt là của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan đầu não của cả nước.

“Yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện quyền tự do cư trú mà phải bảo đảm an ninh xã hội, bảo đảm an toàn, chất lượng cuộc sống của người dân”, bà Hoa nêu quan điểm và cho rằng, chưa có cơ sở để quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong Dự thảo Luật.

Bà Leo Thị Lịch (ĐBQH Đoàn Bắc Giang) thì đề nghị phân tích rõ hơn những tác động tiêu cực về mặt xã hội do làm tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác… tại các TP trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Nếu quy định như Dự thảo thì có bảo đảm được việc cung cấp các dịch vụ công như hiện nay hay không?”, ĐB Lịch băn khoăn.

Theo dự kiến chương trình, Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được trình ra QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 chuẩn bị khai mạc trong tháng 5 này.

Hương Giang