Chiều ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất làm thêm 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.

Đầu tư công để triển khai dự án là “cực chẳng đã”

Nhấn mạnh tính cấp thiết triển khai 12 dự án thành phần, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) ví von, tuyến đường này giống như con đường thống nhất Bắc Nam thời kỳ mới. Bên cạnh ý nghĩa chính trị, cao tốc Bắc - Nam còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế. 

Theo ông Lộc, việc lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án là “cực chẳng đã” vì tư nhân không làm. 

Song đại biểu bày tỏ với dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế - xã hội, là biểu tượng của “ý Đảng, lòng dân” lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách. 

Bởi, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công. 

“Đây là sự không thành công trong chính sách, lỗi không phải do phương thức PPP mà do cơ chế chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân”, ông Lộc nêu quan điểm. 

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân. 

leftcenterrightdel
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại băn khoăn về tổng mức đầu tư 146.000 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng. 

Đại biểu so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/km. 

“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại”, ông Cường đồng tình với cơ chế chỉ định thầu nhưng cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án. 

Bảo đảm tiết kiệm nhất, cố gắng hoàn thành dự án vào năm 2025

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng giải trình một số vấn đề.

Đề cập đến suất đầu tư của dự án, ông Thể cho biết, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng là đã dựa trên chi tiết tính toán đến từng cây cầu, cái cống trên 729 km cao tốc. 

Tuy nhiên, theo ông, suất đầu tư đã tính song để tiến tới chỉ định thầu còn nhiều khâu như thuê tư vấn, lập dự án, thiết kế kỹ thuật dự toán… “Trong quá trình làm, chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cam kết.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể  giải trình. Ảnh: Đ.X 

Về giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, theo ông Thể, đã nằm trong quy hoạch và được phê duyệt. Cụ thể, diện tích để làm đường được thu hồi một lần, không phải giải phóng mặt bằng nhiều lần. Các đơn vị sẽ tập trung để đến cuối năm 2023 hoàn thành xong.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu. “Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm thi công để cuối năm 2025 xong, nghĩa là cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Để bảo đảm tiến độ, ông Thể nói, rất cần các cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp… Ông khẳng định, khi thực hiện chỉ định thầu sẽ thực hiện đúng luật, xét tuyển chặt chẽ. Chính phủ cũng dự kiến thành lập hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo công khai, minh bạch. Cạnh đó, lực lượng công an, thanh tra, kiểm toán cũng sẽ tham gia ngay từ đầu.

Trước băn khoăn của các đại biểu về đầu tư theo hình thức PPP, ông Thể trấn an, ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, còn nhiều dự án nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế. Hơn nữa, theo quy hoạch thì Việt Nam có hơn 9 nghìn km cao tốc, hiện phấn đấu mới có khoảng 3 nghìn km.

“Chúng ta còn rất nhiều đường cao tốc. Chúng tôi xin tiếp thu để cùng các bộ, ngành xem xét lại đầu tư PPP và các cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định.

Một vấn đề nữa, theo ông Hoàng Văn Cường, việc Nhà nước bỏ tiền đầu dự án tư rồi nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cũng gây băn khoăn khi hiện nay chưa có cơ chế để thực hiện. Hơn nữa, nếu có thu thì trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ đồng, cũng không thể bù lại khoản Nhà nước bỏ ra.

Do đó, ông Cường đề nghị, cân nhắc đầu tư theo hình thức PPP bằng cách tách dự án thành phần tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành dự án riêng giúp toàn bộ mức đầu tư giảm đi, Nhà nước sẽ đầu tư mặt bằng, phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều.

“Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí”, ông Cường nhận định.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng, trong thế khó hiện nay khi nhà đầu tư khó huy động vốn, dự án cần làm nhanh thì đầu tư công là có cơ sở.

“Nhượng quyền thu phí, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay”, ông Hòa kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc tổ chức phương án thu phí, bán quyền thu phí theo 2, 5, 10, 15 năm tùy theo điều kiện. Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo Thường vụ Quốc hội.

Hương Giang