Chiều 22/9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021, với tổng số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến chi cho Bộ Quốc phòng 1.000 tỷ đồng, Bộ Công an 900 tỷ đồng...

Theo Bộ trưởng, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng.

Về nhu cầu kinh phí Trung ương chi phòng, chống dịch COVID-19, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021, dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vaccine, với tổng kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nhu cầu còn lại Trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 tỷ đồng. “Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm, thì nhu cầu kinh phí mua vaccine sẽ lớn hơn”, ông Phớc cho hay.

Cạnh đó, theo phương án của Bộ Y tế, để đảm bảo công tác y tế đối với tình huống có 300 nghìn người nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước khoảng 60,57 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chi khoảng 23,44 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương chi khoảng 37,13 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến ngân sách Trung ương phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương khoảng 20-24 nghìn tỷ đồng.

“Tổng hợp chung nhu cầu Trung ương phải chi để mua vaccine và chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới khoảng 36-40 nghìn tỷ đồng”, ông Hồ Đức Phớc nói.

leftcenterrightdel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi, bổ sung vào nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Đ.X 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm nêu trên, để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước mắt dự kiến sử dụng 4,9 nghìn tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, chi cho Bộ Quốc phòng là 1.000 tỷ đồng, Bộ Công an 900 tỷ đồng, TP HCM 2.000 tỷ đồng, Bình Dương 5.00 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng…

Mức độ hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế

Liên quan đến phương án sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến nhận thấy, về cơ bản các khoản cắt giảm, tiết kiệm chi được Chính phủ nêu trong tờ trình đều thuộc phạm vi quy định tại Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra kiến nghị Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ vào dự phòng ngân sách trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích.

Về phương án sử dụng, căn cứ vào tờ trình, Thường trực Ủy ban này cho rằng, căn cứ xác định đối tượng được phân bổ và mức phân bổ chưa cụ thể.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Đ.X 

Để bảo đảm tính hợp lý, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể căn cứ đề xuất phân bổ cho 2 bộ (Bộ Quốc phòng 1.000 tỷ, Bộ Công an 900 tỷ) và 3 địa phương (TP HCM 2.000 tỷ, Bình Dương 500 tỷ, Đồng Nai 500 tỷ).

“Qua làm việc với một số bộ ngành, căn cứ vào tình hình thực tế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, mức độ hỗ trợ đối với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tính toán, có phương án bố trí nguồn hợp lý, công bằng, kịp thời để bảo đảm động viên những người đã và đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch”, ông Cường cho hay.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch của COVID-19; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

Hương Giang