Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì tọa đàm.  

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19 khiến Việt Nam chuyển từ vị trí “ngôi sao” xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng dưới trung bình của thế giới trong năm nay.

Dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, tác động của đợt dịch lần thứ 4 tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng và tăng trưởng quý III “chắc chắn sẽ tương đối thấp”.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Tự Anh phân tích, nếu tháng 5 và 6, doanh số bán lẻ tương đối thấp thì tháng 7 giảm khoảng 20% và tháng 8 là 33%. Điều này cho thấy, tình trạng kinh tế quý III và các quý tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp thấy bức tranh tương tự. Tạm dừng hoạt động, giải thể, lao động không tìm được việc làm rất nghiêm trọng. 

“Nếu chúng ta không mở cửa bán tự động nền kinh tế cho phép giao thương và đi lại, nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn”, chuyên gia Tự Anh nói.

leftcenterrightdel
 TS Cấn Văn Lực nhận định, tăng trưởng GDP quý III có thể âm nhưng quý IV sẽ phục hồi
Ảnh: Đ.X

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cảnh báo, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, giãn cách xã hội tại loạt tỉnh, thành nên tăng trưởng GDP quý III có thể âm so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với báo chí bên hành lang tọa đàm, ông Lực giải thích thêm, dự báo này được đưa ra dựa trên phân tích số liệu, đánh giá 3 trụ cột chính gồm: Lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. 

Từ đầu năm đến nay lĩnh vực dịch vụ giảm 4,7% và dự báo quý III có thể giảm trên 10%. Công nghiệp - động lực rất lớn của nền kinh tế Việt Nam thấy, tăng trưởng vẫn tốt tới tháng 5, chậm lại 1 chút trong tháng 6, tới tháng 7 không có tăng trưởng và bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8. 

Nếu nhìn vào cụ thể các ngành công nghiệp thì hầu như tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo, chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng âm, ví dụ giày dép - 28%, đồ uống - 23%...

“GDP quý III có thể âm cho thấy đây là quý khó khăn nhất của nền kinh tế, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Dịch bệnh phức tạp, các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội quyết liệt tại 25 tỉnh, TP trong đó gồm cả hai đầu tàu kinh tế lớn cả nước là Hà Nội, TP HCM... đã ảnh hưởng, tác động trực diện tới các ngành sản xuất, dịch vụ khiến mức tăng trưởng âm”, ông Lực nhấn mạnh.

Cần gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều

Ông Cấn Văn Lực lưu ý, mức tăng trở lại của GDP quý IV phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine, cũng như cho phép mở cửa nền kinh tế và việc chống dịch theo mô hình mới thực thi hiệu quả ra sao.

Khả năng GDP cả năm nay tăng 3,5-4% theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là “hoàn toàn đạt được” theo nhận định của ông Lực. Để tăng trưởng năm 2021 đạt 3,5% thì GDP quý IV phải tăng gần 5%; còn muốn 4% thì tăng trưởng quý IV phải khoảng 6%.

Vậy làm thế nào để “Việt Nam lấy lại ánh hào quang”?, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset cho rằng, Việt Nam cần tăng quy mô tiêm chủng nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch; quản lý di chuyển cần thông minh hơn; có chương trình trợ giúp xã hội hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng về kinh tế.

leftcenterrightdel
 Chuyển gia kinh tế WB đưa ra 4 bài học để Việt Nam "lấy lại ánh hào quang". Ảnh: Đ.X

Việt Nam cũng cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Theo ông Jacques Morisset, chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp, tương đối kém hiệu quả vì lãi suất thực rất thấp và có thể làm tăng rủi ro tài chính do nợ xấu tăng cao, thiếu minh bạch trong gói giải cứu.

TS Tự Anh nhận định, gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành có quy mô còn quá nhỏ, hiệu lực thấp. Vì vậy, ưu tiên tới đây là phải giải ngân hiệu quả gói an sinh xã hội; triển khai ngay gói miễn, giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công…

“Vào năm 2022, tôi nghĩ Quốc hội nên kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so với năm 2021, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn”, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đề xuất.

Theo phân tích của ông Lực, các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP, gồm chính sách tài khóa vào khoảng 10% GDP, gói chính sách tiền tệ vào khoảng 6% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP. Nhóm nghiên cứu của ông cho biết, thực chi của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2% GDP, trong khi năm 2021 thậm chí còn dưới 1% GDP.

“Cần xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,62% GDP năm 2020, chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn”, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Kịch bản phục hồi kinh tế phải tránh “mỗi địa phương một phương án”

Ngoài cần thêm các gói hỗ trợ người dân thực chất hơn, theo các chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”.

Ông Tự Anh phân tích, năm 2021, động lực đầu tư công không còn, tăng trưởng phụ thuộc lớn vào động lực xuất khẩu nhưng cũng đang suy giảm. Điều đó có nghĩa nền kinh tế “đang rơi vào trạng thái xấu một cách bất thường, đòi hỏi biện pháp mạnh mẽ mới có thể khôi phục”.

Từ đó, theo chuyên gia này, cần 1 khung chiến lược phát triển mới, nhận dạng được các động lực mới. “Chống dịch vừa cho chúng ta thấy có rất nhiều bất cập, ví dụ hợp tác và liên kết vùng rất kém, tạo ra sự đứt gãy chuỗi giá trị, sự không phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn và thông suốt giữa các địa phương”, TS Tự Anh nhận xét.

leftcenterrightdel
 TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, trong lúc "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đưa ra nghị quyết thì cố gắng đưa ra giải pháp. Ảnh: Đ.X

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nêu, chương trình phục hồi phải bao gồm cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, lao động, chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng... 

“Quốc hội, Chính phủ đưa ra nghị quyết thì cố gắng đưa ra giải pháp, thay vì phân cấp việc đưa ra giải pháp cho các bộ, ngành theo thời hạn như hiện nay”, ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, kịch bản phục hồi kinh tế của Chính phủ cần được coi là “khung” chung thống nhất để các địa phương thực thi, tránh “mỗi địa phương một phương án, một kế hoạch” thì chiến lược sẽ khó đạt kết quả.

Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, các ý kiến, đề xuất tại tọa đàm là “chất liệu” quan trọng để có các quyết sách, sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn. “Chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch”, ông Vương Đình Huệ tin tưởng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, “không thể lạc quan một chiều được” mà phải đánh giá, dự báo tình hình để có những chính sách phù hợp. Ông nhất trí phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể với chính sách phù hợp. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng với COVID -19 cần tính đến tác động lâu dài; xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế, xã hội.

Hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng yếu thế sẽ “kích thích” tăng trưởng 

 Ông Terence Jones, quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng yếu thế sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, đạt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.

leftcenterrightdel
Ông Terence Jones, quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam 

Theo ông, Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch thông qua Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID -19 vào tháng 4/2020 trị giá 62.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ thứ hai trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được ban hành vào tháng 7/2021 (Nghị quyết 68).

“Việt Nam đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do”, ông Terence Jones nhận xét.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này vừa không đủ lớn, vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội. 

Ông nói, Chính phủ có thể triển khai ngay gói hỗ trợ tiền mặt quy mô khoảng 5% GDP một quý (khoảng 77.000 tỷ đồng) và giải ngân ngay trong 3 tháng cuối năm nay. Số tiền này sẽ tạo ra “hiệu ứng cấp số nhân” tới việc gia tăng tiêu dùng và tổng sản lượng kinh tế. 

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chương trình phục hồi kinh tế có thể chia làm 3 giai đoạn:

Từ này đến quý I/2022, ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh.

Đến hết 2023, khi kiểm soát dịch COVID-19 thì nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế và tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. 

Sau năm 2023, bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Hương Giang