Ngày 21/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện có khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với khoảng 28 triệu liều vaccine được sử dụng.

Ở Việt Nam, hiện các đơn vị sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vaccine ngừa COVID-19 (bao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế) đang được thử nghiệm.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đang tích cực phối hợp với các bộ để hoàn thiện các cơ chế cụ thể trên tinh thần Việt Nam, cũng như các nước xác định đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trước.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy chương trình thử nghiệm vaccine.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và chuyên gia nhận định, dù đã có 46 quốc gia triển khai tiêm vaccine nhưng để tiêm được hết cho người dân và tạo ra miễn dịch cộng đồng còn lâu dài trong khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nước, lây lan nhanh hơn.

Vì vậy, kể cả những nước đã triển khai tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Điều đáng lưu ý, gần đây, số người tử vong ghi nhận hàng ngày cao hơn trước rất nhiều.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu, phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới. Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo tăng cường lực lượng cho bộ đội biên phòng, có những hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường biên.

Lực lượng công an có sự phối hợp sát với các địa phương, phổ biến xuống tận cơ sở để tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về thì phải theo đường hợp pháp, tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế. Trường hợp, người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho công an, chính quyền cơ sở.

Các địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của Bộ Y tế trong các khu cách ly tập trung. Những nơi để xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.

Về vấn đề vaccine, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính bàn với các bộ, ngành thống nhất cơ chế phù hợp để khi vaccine trong nước được thử nghiệm thành công thì có thể được sản xuất, cung cấp.

Trong dịp giáp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng báo cáo Ban Chỉ đạo về nhu cầu của người dân muốn về nước không chỉ vì nguyện vọng đón Tết Nguyên đán mà nhiều trường hợp do dịch bệnh kéo dài, ở nhiều nơi bà con, nhất là những người lao động hết hạn hoặc bị kẹt lại đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Sau khi bàn thảo, các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao thống nhất sẽ báo cáo cấp thẩm quyền và giải quyết trên tinh thần hết sức động viên bà con tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, pháp luật nước sở tại, việc không về nước thời điểm này cũng là đóng góp cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Đồng thời, có cơ chế tổ chức các chuyến bay trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tính đến sáng 21/1, thế giới ghi nhận gần 96,7 triệu ca và hơn 2 triệu ca tử vong do dịch COVID-19, tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam tính đến 17 giờ ngày 20/1, vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh vào (đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.544 ca mắc, trong đó 884 ca nhập cảnh từ nước ngoài.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”. 

Hương Giang