Chiều ngày 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

“Bảo hiểm vi mô” là các sản phẩm bảo hiểm có số tiền bảo hiểm nhỏ, mức phí bảo hiểm thấp, quyền lợi cơ bản hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản, theo nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi về bảo hiểm.

Cho thí điểm bằng một… công văn

Ở vị trí điều hành, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các Ủy ban cho rằng, chưa nên ban hành nghị định này vì “chưa chín”.

Ông Hiển cho hay, bảo hiểm vi mô không phải là vấn đề mới, mô hình kinh doanh giống các loại bảo hiểm khác, nhưng rủi ro rất cao, cho nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Hơn nữa, làm bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận lại càng khó.

“Thua lỗ rất dễ xảy ra và không có khả năng bù đắp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý, các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta là tổ chức của Nhà nước. Nếu xảy ra cái gì thì Nhà nước phải “gánh”.

Cũng theo ông Hiển, chúng ta đang tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, giờ cho tổ chức chính trị - xã hội kinh doanh bảo hiểm là đi ngược lại với xu thế. 

“Nếu mà cho tất cả các tổ chức chính trị - xã hội làm thì phải báo cáo Bộ Chính trị chứ không đơn giản”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Hiển còn lưu ý, Chính phủ đồng ý cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện thí điểm từ năm 2014 bằng 1 công văn của Văn phòng Chính phủ là “đơn giản quá”, trong khi vấn đề này đòi hỏi tính pháp lý cao. 

“Chính phủ phải củng cố lại căn cứ pháp lý, nếu không sau này có vấn đề gì thì rất phức tạp”, ông Hiển đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Chính phủ cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thí điểm bảo hiểm vi mô bằng 1 công văn của Văn phòng Chính phủ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. 

“Nếu xảy ra rủi ro thì như thế nào, trách nhiệm ra sao, chừng đó mới thấy sao liều lĩnh như thế?”, bà Ngân nói.

Nhiều điều, khoản sơ sài, chưa đủ cơ sở pháp lý

Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự thảo nghị định, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội có 2 quan điểm. Loại thứ nhất thống nhất với đề nghị của Chính phủ. 

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, chưa cần thiết vì ở nước ta mới chỉ có Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện thí điểm. 

“Dự thảo nghị định còn nhiều điều, khoản quy định sơ sài, chưa có tính thuyết phục, chưa đủ cơ sở pháp lý để bảo đảm thực hiện có hiệu quả như vấn đề tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện, thẩm định hợp đồng bảo hiểm vi mô, tài chính đối với bảo hiểm vi mô…”, báo cáo thẩm tra nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, “qua thảo luận, Thường trực Uỷ ban tán thành với loại ý kiến thứ 2”. 

Từ đó, Uỷ ban này đề nghị, chưa ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô; tiếp tục thực hiện thí điểm nhưng phải bảo đảm thủ tục pháp lý và hình thức văn bản cho phép thí điểm; đồng thời  có công cụ, phương thức để quản lý, thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ tổ chức chính trị - xã hội khi triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô.

“Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động để đề xuất bổ sung nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, ddự kiến trình tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, năm 2021”, bà Thuý Anh nêu.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: quochoi.vn

Thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra, theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành chính sách bảo hiểm vi mô rất cần thiết cho đối tượng khó khăn, nhưng với cách làm hiện nay là “thiếu cơ sở pháp lý, chưa thực sự cần thiết”.

Thêm nữa, quá trình triển khai hiện không hiệu quả, người tham gia ít, doanh thu phí bảo hiểm thấp. Thực tế, trên thị trường có 3 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, nhưng đã có 2 doanh nghiệp đã ngừng triển khai. 

Còn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm 2 sản phẩm thì “chưa thấy bóng dáng trong dự thảo”.

“Để các tổ chức chính trị - xã hội làm bảo hiểm vi mô có nhiều bất cập, thiếu cơ sở pháp lý và tính khả thi, rủi ro cao. Yêu cầu về vốn, khả năng giám sát, tổ chức điều hành, thanh toán đầu tư, nghiệp vụ công nghệ quản lý ra sao? Không phải đơn giản”, bà Ngân nhấn mạnh và nêu rõ, bảo hiểm vi mô đòi hỏi trình độ nghiệp vụ rất cao. 

Đề nghị cho Chính phủ "điểm tỳ pháp lý" để thí điểm

Tại phiên họp Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, “đúng là lĩnh vực này, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không thiết tha vì không có lợi nhuận, rủi ro cao, phí thì thấp”. Ông Dũng cũng cho rằng, “phải nhận thức lại vấn đề”. 

“Điều kiện ban hành nghị định này đuối. Đuối về tổ chức bộ máy, đuối về chuyên môn nghiệp vụ, đuối về cơ sở vật chất và cuối cùng pháp lý”, ông Dũng phát biểu và thấy, đề xuất của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội là chính xác.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dung. Ảnh: quochoi.vn

Từ đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ “điểm tỳ pháp lý” để tiếp tục triển khai thí điểm vì bảo hiểm vi mô, nhất là "trong điều kiện đang tiến hành xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế”. 

“Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để đưa vào nghị quyết của Chính phủ sau khi có kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho tiếp tục cho thí điểm và giao Bộ Tài chính hướng dẫn”, Bộ trưởng nêu.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa ban hành nghị định quy định bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời yêu cầu Chính phủ rà soát lại tính pháp lý và có quy định cụ thể để kiểm tra, kiểm soát việc thí điểm bảo hiểm vi mô của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. 

“Đề nghị khống chế số tỉnh đã làm, số sản phẩm đã triển khai, không mở rộng. Nếu triển khai thí điểm hiệu quả thì tiếp tục, không hiệu quả thì thu gọn và đi đến chấm dứt”, ông Hiển kết luận và nêu rõ, việc tiếp tục thí điểm hay không là do Chính phủ quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội một lần nữa lưu ý, tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức của nhà nước, nếu có rủi ro thì nhà nước phải gánh chịu tổn thất. Cho nên, Chính phủ phải hết sức cân nhắc.

Ở nước ta có 5 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Theo tờ trình của Chính phủ, hiện chỉ duy nhất có Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thuộc các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô ở 12 tỉnh, TP với 2 sản phẩm: Tương trợ vốn vay; tương trợ y tế và nhân thọ. 

Đối tượng tham gia chủ yếu là thành viên của tổ chức tài chính vi mô tình thương.

Vì vậy, theo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, “chưa mang tính phổ quát”.

Hương Giang