Chiều ngày 24/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự án Luật này được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Song song với đó là Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo.

Tách luật là cần thiết!

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Bộ trưởng, trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm xảy ra phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáng báo động.

Qua thống kê cho thấy, trong hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, bị thương trên 330 nghìn người. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…

“Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: Trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Cũng theo Bộ trưởng, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, quá trình thẩm tra dự án này, nhiều ý kiến nhất trí tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai luật chuyên ngành.

Một số ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để ban hành luật riêng, vì Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành. Trong đó, giao thông đường bộ bao gồm: Kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện, người tham gia, quy tắc. Nếu tách ra thì sẽ không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, dễ dẫn tới chồng chéo.

Theo ông Việt, Uỷ ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc xây dựng, ban hành luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cần nghiên cứu kỹ để thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục

Dự thảo Luật gồm 08 chương, 71 điều. Trong đó, một trong những trách nhiệm của Bộ Công an được quy định tại Điều 66 là: “Quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe”.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: TN 

Theo ông Việt, một số ý kiến cho rằng đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái giao thông đường bộ an toàn, là nội dung của bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước là phù hợp.

“Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe. Qua đó sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và chấp hành pháp luật của người lái xe.

Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ”, ông Việt nói.

Song, cũng có một số ý kiến cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và gây lãng phí (Bộ Công an phải đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Bộ Giao thông vận tải đã có và đang thực hiện ổn định).

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có những nội dung đặc thù, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong Dự thảo Luật này là phù hợp, nhưng cần phải quy định bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm khả thi.

“Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính”, ông Việt nêu.

Cũng theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, việc quy định điểm của giấy phép lái xe trong luật này là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi. Ý kiến khác không tán thành với việc bổ sung quy định này, vì cho rằng sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe.

Ủy ban đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc với điều kiện của Việt Nam.

Theo dự thảo, điểm của giấy phép lái xe; trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe được quy định như sau:

1. Giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới.

2. Trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe

a) Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại;

c) Giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

Hương Giang