Chính phủ vừa có các báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

2 báo cáo này do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Khởi công làm nhà ga hành khách Sân bay Long Thành trong tháng 2/2022

Cập nhật tiến độ “siêu” Dự án Sân bay Long Thành, theo Bộ trưởng Thể, các dự án thành phần vẫn đang bám sát mục tiêu đặt ra.

Với dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan (các Bộ: Giao thông Vận tải, Công an, Tài chính) đang thực hiện lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đầu tư, gồm đồn công an cửa khẩu, hải quan, cảng vụ hàng không.

Theo ông Thể, trường hợp được bố trí vốn trung hạn 2021-2025 thì các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo tiến độ vì đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp, thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6-12 tháng, thời gian thi công khoảng 24 tháng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.

Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) và dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến.

“Các đơn vị xác định đại dịch COVID -19 có thể ảnh hưởng tới công tác sản xuất, nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng và huy động chuyên gia tư vấn nước ngoài nên cần chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này”, báo cáo nêu.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho hay, công tác thiết kế kỹ thuật được ưu tiên hoàn thiện và phê duyệt trước phần móng công trình để bảo đảm khởi công làm nhà ga hành khách trong tháng 2/2022, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Ở dự án thành phần 4, sau khi ban hành thông tư về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ công bố danh mục các dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.

Các hạng mục ở dự án thành phần 4 này dự kiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa như nhà ga hàng hoá số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (Express Cargo), kho giao nhận hàng hoá, khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay…

 “Hàng tháng, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang tiếp tục họp chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào nửa đầu năm 2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025”, báo cáo Chính phủ nêu.

9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thiếu vật liệu đắp nền

Với “siêu” Dự án Cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay cả 8 dự án thành phần đầu tư công đều đã khởi công xây dựng và triển khai thi công với giá trị sản lượng hoàn thành khoảng hơn 8.933 tỷ đồng trong tổng gía trị hợp đồng hơn 35.602 tỷ đồng (đạt khoảng 25,1%).

Còn 3 dự án thành phần (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) thì đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã gặp vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng (đất, cát, đá).

Nguyên nhân là do việc triển khai đồng loạt dự án thành phần, nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Bộ trưởng thông tin, 9/11 dự án thành phần qua địa bàn 11 tỉnh vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường cần kịp thời tháo gỡ để đảm bảo tiến độ thực hiện. Cá biệt tại Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp, vận chuyển vật liệu xây dựng cho dự án.

Tổng cộng các dự án thành phần còn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường (15,8 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác nhưng chưa được giải phóng mặt bằng mỏ, cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.

Trong khi đó, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Chưa hết, đại dịch COVID -19 khiến cho việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn. Một số công trình đã phải dừng thi công do đã có cán bộ, công nhân lây nhiễm COVID -19 phải cách ly.

Cụ thể, Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, phần việc do Công ty Đạt Phương thực hiện (gói thầu XL-01) phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân nhiễm COVID -19. Tương tự, 10 cán bộ, công nhân Dự án Phan Thiết - Dầu Giây (gói thầu số 3-XL và số 4-XL) cũng nhiễm COVID -19.

Để bảo đảm việc triển khai dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất; giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu như có giải pháp bình ổn giá, tránh đầu cơ nâng giá; ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, người lao động phục vụ thi công các dự án.

Thu hồi đất để triển khai Dự án Sân bay Long Thành mới đạt 50,7%

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vẫn chậm. Theo báo cáo, diện tích đất đã thu hồi được 1.284,57/2.532 héc-ta (gồm 1.810 héc-ta giai đoạn 1 và 722 héc-ta đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1), đạt 50,7%.

Lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại dự án nay do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư mới đạt 10.698,835/22.850 tỷ đồng vốn đã bố trí (tương đương 46,81%).

Ngoài sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID -19 (UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16), hiện  phạm vi giải phóng mặt bằngdự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay).

Đáng chú ý, UBND tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán Nhà nước như: Điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khâu trong sô hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. 

Hương Giang