Sáng nay 4/10, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc.

Đề án Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ dự kiến trình tại hội nghị này.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) nhấn mạnh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ.

+ Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào khi Đề án Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 4?

- Xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần thiết. Từ khi ra đời đến nay, cùng với quá trình xây dựng, Đảng luôn luôn tự chỉnh đốn, đổi mới, rèn luyện và xem lại mình. 

Như tôi đã từng phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, Đảng luôn giới thiệu và cử những đảng viên ưu tú của Đảng tham gia vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. 

Đi cùng với đó, Đảng có cơ chế giám sát quyền lực để những người giữ chức vụ không lạm quyền, lộng quyền, tự tung, tự tác.

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều cán bộ cấp cao từ Ủy viên Bộ Chính trị, đến bộ trưởng, rồi các bí thư, chủ tịch tỉnh đã bị xử lý kỷ luật, kể cả xử hình sự do vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật. 

Vì vậy, cần tiếp đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng chính chính là để giám sát quyền lực, giám sát những người có chức, có quyền. 

Để giám sát hiệu quả, trước tiên phải dựa vào các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của nhà nước, rồi các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND, cũng như vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. 

+ Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật; xét xử sơ thẩm 1.100 vụ với 2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Mới đây thôi, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 9 tướng lĩnh cảnh sát biển. Điều này, có phải là minh chứng cho thấy, công tác chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, thưa ông?

- Đúng vậy, đó là minh chứng thấy chúng ta làm kiên quyết, đến nơi, đến chốn, không phải một đợt là xong. 

Theo công bố thì các tướng lĩnh cảnh sát biển không chỉ bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mà còn vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau.

Rồi vừa qua cũng có nhiều giám đốc sở, cán bộ trong ngành Giáo dục tại nhiều địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam. Cũng liên quan đến cán bộ ngành Giáo dục, cách đây vài năm, tại nhiều tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình đã xảy ra tình trạng “chạy điểm, chạy trường”. Những người đó đã tạo cơ hội cho con em mình bằng việc “chạy chọt”, nghĩa là đã cướp đi cơ hội của người khác. 

leftcenterrightdel
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục). Ảnh: Đ.X

Không chỉ vi phạm pháp luật, những hành vi đó đều rất tồi tệ ở khía cạnh đạo đức, nhân văn. 

Xử lý kỷ luật, khởi tố, điều tra những cán bộ sai phạm là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là thượng tôn pháp luật, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cán bộ, đảng viên đã trót nhúng chàm và chuẩn bị nhúng chàm. 

+ Phải chăng, những hành vi tiêu cực, tham nhũng của người có chức vụ quyền hạn thường bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thưa ông? 

- Chính xác là như như vậy. Mọi hành vi phạm tội thường bắt nguồn từ suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến hành vi tiêu cực, rồi dẫn đến tham nhũng, vi phạm pháp luật. Do vậy, phòng ngừa, ngăn chặn bao giờ cũng đi trước rồi mới đến chống tiêu cực, tham nhũng.

Tôi rất ủng hộ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Cần phải gắn tiêu cực với phòng, chống tham nhũng. Bởi tiêu cực đôi khi là tiền đề của tham nhũng và tham nhũng là hệ quả của tiêu cực. 

Chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, để cán bộ, đảng viên không tiêu cực, tham nhũng, vướng vào vòng lao lý. Để làm tốt điều này, phải giám sát cán bộ, giám sát quyền lực cho thực sự hiệu quả. 

Ngoài tai mắt của Đảng, cần huy động tối đa tai mắt của nhân dân và các tổ chức mà tôi đã đề cập. Cán bộ liêm khiết, bình dị, hay sống xa hoa, nay biệt thự này, mai đổi xe kia, người dân đều biết cả. 

Thế nhưng những người nói lên sự thật thường thua thiệt, thậm chí còn đối mặt với những hành vi trù úm, đe dọa cả thể xác lẫn tinh thần. Do vậy, để huy động tai mắt từ nhân dân hiệu quả, cần có cơ chế để khuyến khích việc tố giác tội phạm và phải có cơ chế để bảo vệ họ.

+ Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương này?

- Tôi rất ủng hộ. Cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung rất cần được bảo vệ. 

Có thể những việc làm của họ chưa phù hợp với các quy định, nhưng họ dũng cảm đi tiên phong, chấp nhận rủi ro và điều quan trọng là làm vì lợi ích chung, mang lại hiệu quả cho xã hội thì rất đáng quý, rất cần được bảo vệ, khuyến khích.

Tất nhiên, phải tránh tình trạng lợi dụng việc khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm để làm càn, làm bậy, đánh bóng tên tuổi, hoặc vì động cơ cá nhân, vụ lợi chứ. Mọi hành vi lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang