Báo cáo tổng kết trình bày tại Hội nghị cho thấy, năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, ngành TT&TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành, và đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. 

Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh chóng vững chắc. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước và đời sống xã hội.

Đặc biệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, từ Trung ương đến địa phương. 

Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng so với gần 2,2 triệu tỷ đồng năm 2016. 

Tổng nộp ngân sách Nhà nước của ngành đạt gần 106 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016 (76 nghìn tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp toàn ngành TT&TT năm 2020 đạt con số hơn 64 nghìn doanh nghiệp, tăng 50% so với năm 2016 (41 nghìn doanh nghiệp).

Bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực thuộc quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT nổi lên rất nhiều điểm sáng tích cực trong suốt 5 năm 2016-2020. Cụ thể, lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm) trong 5 năm qua với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (18.300 tỷ đồng).

Trong đó, lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ TT&TT đã thực hiện Quy hoạch Báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện nay, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).

Mạng xã hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh vơi các mạng xã hội quốc tế, với các tên tuổi như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu.

Trong 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, Chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, đánh giá, tăng 50 hạng so với năm 2017.

Năm 2021, là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn bản lề để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp và tiến bước trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Đất nước bay lên bằng đôi cánh: Một bên là khát vọng hùng cường, thịnh vượng, một bên là công nghệ.

Ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh, đặt ra mục tiêu cao, cải thiện thứ hạng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá.

Theo đó, kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025, bưu chính là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, là dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm, trở thành một trong các trụ cột của kinh tế số, phục vụ phát triển chính phủ số, xã hội số. Phát huy đầy đủ vai trò phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo hướng mở rộng dịch vụ phổ cập. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ năm 2021 đạt 100%. 

Nền tảng mã địa chỉ Vpostcode gắn với bản đồ số hỗ trợ các hộ gia đình thúc đẩy thương mại điện tử. Xếp hạng phát triển bưu chính năm 2025 top 45 thế giới.

Thứ hai, viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới. Triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Việt Nam theo pha, đúng lộ trình. Mỗi người dân một điện thoại thông minh. Phổ cập điện thoại di động thông minh với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân năm 2021 đạt trên 80%, năm 2025 đạt 100%. Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang năm 2021 đạt 60%, năm 2025 đạt 80%...

Thứ ba, tăng tốc chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025 sớm trước thời hạn đặt ra.

Thứ tư, an toàn, an ninh mạng bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm. Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. 

Năm 2021, Việt Nam làm chủ 100% hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Tỷ lệ máy chủ, máy trạm và thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được bảo vệ đạt 100%. Phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi về an toàn, an ninh mạng. Xếp hạng an toàn, an ninh mạng năm 2025 top 30 thế giới.

Thứ năm, phát triển nền công nghiệp ICT Make in Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm cao gấp 2,5 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng 20-30%/năm.

Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân năm 2021 đạt 0,7 và năm 2025 cứ 1000 dân có 1 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành nền công nghiệp ICT quốc gia lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ sáu, báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường. 

Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và năm 2025 đạt 100%...

Thân Giang