Báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID - 19 về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 từ ngày 5 đến 11/9 được trình bày trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch sáng 11/9 đã nêu rõ vấn đề trên. 

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo.

Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam tính đến ngày 10/9, cả nước đã ghi nhận khoảng 570.000 ca mắc, 338.000 người đã khỏi bệnh (59%) và 14.000 ca tử vong (2,4%); có 18/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng)

Trong số 23 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đa số các địa phương có số ca mắc mới trong cộng đồng giảm so với tuần trước, riêng Kiên Giang gia tăng (69,7%).

Có nơi giãn cách chưa nghiêm

Theo Bộ Y tế, tuần qua, công tác phòng, chống dịch COVID -19 vẫn có những hạn chế, tồn tại. 

Một số xã, phường, thị trấn nhận thức chưa đúng về “xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ”; nắm chưa đúng về các nội dung thực hiện tại xã, phường; còn thiếu việc kiểm tra giám sát việc thực hiện tại cơ sở.

Thực hiện giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm, chưa triệt để, nhất là trong thời gian gần đây. Việc triển khai thực hiện an sinh xã hội còn chậm so với yêu cầu; việc cung ứng hàng hóa vẫn còn lúng túng hay thay đổi.

Đáng chú ý, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ ra, một số địa phương nóng vội trong việc mở cửa trở lại, chưa có kế hoạch cụ thể đã triển khai nới lỏng giãn cách.

Tốc độ xét nghiệm tại một số địa phương, chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Cạnh đó, một số biện pháp chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ.

Ngoài ra, chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người. 

Ca mắc mới tại TP HCM giảm mạnh

Nhìn lại kết quả, trong tuần qua, cả nước đã xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm tăng 7,4%, chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.

Tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh, thành có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh như ở TP HCM, Long An, Tiền Giang.

Việc xét nghiệm vùng đỏ ở TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đã được quét đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm giảm rõ rệt. Riêng quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.

Trạm y tế lưu động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, TP HCM đã xây dựng và vận hành 520 trạm y tế lưu động, quản lý 76.352 người nhiễm và 41.740 trường hợp F0 sau xuất viện tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. 

Bên cạnh đó thành lập thêm các tổ, đội, nhóm chăm sóc người nhiễm dựa vào cộng đồng góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị và giảm tử vong.

Cũng tại TP HCM đang có 637 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp triển khai sản xuất an toàn với tổng số lao động khoảng 60.000 người; Bình Dương đang có khoảng 1.300 doanh nghiệp, với tổng số lao động khoảng 140.000 người.

Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của vi rút

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội, theo Bộ Y tế có một số kinh nghiệm bước đầu. 

Trong đó, quán triệt và triển khai chủ trương lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.   

Bộ Y tế cũng cho rằng, công tác xét nghiệm đã phát huy vai trò là then chốt trong phòng, chống dịch. Xét nghiệm thần tốc toàn dân, nhanh hơn tốc độ lây lan của vi rút trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; xét nghiệm nhiều vòng (1 vòng trong 2-3 ngày) tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế giãn cách xã hội kéo dài, trên phạm vi rộng và tổ chức chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, thực hiện giãn cách nghiêm; tiêm vaccine nhanh tại các địa phương tăng cường giãn cách xã hội; thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát đến xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả phòng, chống dịch tại cơ sở.

Hương Giang