Sáng 22/10, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin về vấn đề tăng lương cơ sở và tình hình công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 27 của trung ương thì từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.

Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Dù vậy, 3 năm vừa qua (2019 - 2021) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.

Năm nay, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%).

Bà Trà cho rằng, mức tăng này rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Mức điều chỉnh khoảng 20,8% cũng tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất trên 40%.

“Khi điều chỉnh mức lương cơ sở này cũng hướng theo mục tiêu là tiệm cận với cải cách chính tiền lương và mức này là hợp lý trong bối cảnh thực tiễn.

Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, giáo dục, y tế nghỉ nhiều nhất

Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, theo nữ Bộ trưởng, tính từ 1/1/2022 đến 30/6/2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, trong đó, công chức có hơn 4.000 người, còn viên chức là 35.523 người.

Bà Trà cũng cho hay, trong số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế.  Với giáo dục 2,5 năm qua số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40% chiếm 60%.

Với y tế 2,5 năm qua có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỉ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%. Trong đó độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.

Vẫn theo bộ trưởng, số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022

“Nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Còn các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên số lượng nhỏ", bà Trà thông tin.

Đề cập nguyên nhân, bà Trà cho biết, là do tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến công chức, viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Đặc biệt nhân viên y tế phải làm việc trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm, rủi ro nhưng hỗ trợ cho đời sống chưa đáp ứng được.

Với nhân viên ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến... dẫn đến áp lực rất lớn.

Hơn nữa, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế thì các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư. Bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.

Vì vậy, bà Trà cho rằng, cần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Đồng thời phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh, cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc.

Hương Giang