Thanh tra công vụ đã được quan tâm

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được hiệu quả tích cực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) cũng có bước phát triển tốt.

“Thanh tra công vụ trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KN, TC đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm thực hiện. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm cán bộ không tiếp dân theo quy định”, bà Hải nói.

Tại kết luận việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KN,TC, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Đồng Tháp, thời kỳ 2012 - 6/2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, một số giám đốc sở suốt 5,5 năm không tiếp công dân như Sở Nội vụ,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Cục Thuế… Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiểm điểm, xử lý thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Trưởng ban Dân nguyện nhận định, điều này thể hiện trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trước kiến nghị của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu (ĐB) QH và người dân. Bởi “cho đến trước tháng 8, chưa có 1 cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm khi không thực hiện quy định về tiếp công dân”.

Tuy nhiên, công tác tiếp dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngay trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua (ngày 31/10), tại nghị trường QH, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cũng thẳn thắn chỉ ra điều này.

“Tiếp công dân có rất nhiều loại hình. Trong đó, có tiếp công dân thường xuyên của Ban Tiếp công dân. Ví dụ, Ban Dân nguyện có 1 Ban Tiếp công dân thường xuyên, nhưng chủ yếu là hướng dẫn, giải thích pháp luật hoặc tiếp nhận đơn để chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết. Tiếp dân như vậy thì chất lượng giống như “người đưa thư””, bà Hải nói.

Điều khiến Trưởng ban Dân nguyện “rất trăn trở” là việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vì gắn với thẩm quyền giải quyết.

“Như có lần tôi phát biểu, người dân gặp ĐBQH, kể cả với tôi là Trưởng ban Dân nguyện cũng không hiệu quả bằng việc gặp chủ tịch xã, huyện 15 phút để giãi bày vì họ xử lý công việc được ngay và người dân sẽ rất phấn khởi”, bà Hải nói và cho hay, khi đi tiếp xúc ở các tỉnh, TP thấy, “tất cả những buổi mà chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện đứng ra tiếp công dân thì số lượng người dân đến rất đông”.

Đừng để tranh chấp 1 bức tường cũng vượt cấp lên Trung ương

Theo Trưởng ban Dân nguyện, rất nhiều vụ việc khiến người dân bức xúc liên quan đến đất đai. Mà theo quy định của Luật Đất đai, chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Nếu tiếp dân, họ sẽ thấy được vấn đề người dân nêu đúng hay sai để giải quyết.

“Tôi rất đồng tình với ý kiến của Tổng Thanh tra Lê Minh Khái là tiếp công dân phải gắn với giải quyết KN,TC. Đây là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết KN,TC. Nếu chỉ tiếp dân mà không giải quyết được thì cũng không đạt yêu cầu vì giống như “người bưu điện” nhận đơn để chuyển đơn”.

Trưởng ban Dân nguyện nhận định, khi đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết các tranh chấp, KN,TC ngay tại cơ sở thì sẽ giảm đơn thư kéo dài, vượt cấp.

“Chúng tôi ở đây nhiều khi tiếp nhận những vụ việc chỉ tranh chấp với nhau 1 bức tường mà đơn thư gửi vượt cấp lên tận lãnh đạo Trung ương, Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Trưởng ban Dân nguyện… Trong khi, nếu cơ sở tiếp nhận ngay từ đầu, gặp gỡ người dân, giải thích các quy định của pháp luật thì có thể đã giải quyết xong”.

Đi cùng với đó, theo bà Hải, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC để phát hiện những hạn chế, chấn chỉnh những thiếu sót và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề nữa được Trưởng ban Dân nguyện rất quan tâm là công tác bố trí cán bộ tiếp dân. Vì, tiếp dân là nhiệm vụ đặc biệt. Cán bộ tiếp dân phải nắm chắc các quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện các quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

“Cán bộ tiếp dân phải làm sao để bức xúc của người dân giảm, chứ không phải làm cho bức xúc tăng lên kể cả bức xúc với người khác thì cũng không nên. Cho nên, tôi đã kiến nghị, trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa công tác bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân. Tất nhiên, năng lực phải đi kèm với điều kiện công tác và quan trọng là phẩm chất của cán bộ phải không ngại khó, ngại khổ”.

Bà Nguyễn Thanh Hải tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra và cấp ủy các cấp, chắc chắn “công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC sẽ có những đột phá mới trong thời gian tới”.

“Tôi rất trăn trở về công tác tiếp dân và coi đây là một trong những mục tiêu trong nhiệm kỳ làm ĐBQH, cũng như làm Trưởng ban Dân nguyện của mình. Bất cứ khi nào có cơ hội phát biểu, trao đổi, tôi cũng cố gắng kiến nghị để làm sao công tác tiếp dân, đặc biệt là tiếp công dân theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật được đẩy mạnh hơn nữa. Hi vọng trong những phát biểu sau, vấn đề này sẽ không còn là điều trăn trở”, Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ thêm.

Hương Giang