Ngày 19/4, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Uỷ ban về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

Đổi 100 USD phạt 90 triệu, dùng vũ lực ép hôn phạt 200 nghìn

Theo ông Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Điều 146 quy định “tội dâm người dưới 16 tuổi” rất rõ ràng.

Ông Bộ cho rằng, dâm ô là hành vi thoả mãn nhu cầu tình dục của người thực hiện hành vi nhưng thỏa mãn không bằng sử dụng bộ phận sinh dục, giao cấu.

"Vấn đề ở đây là yêu tố con người. Bộ luật Tố tụng Hình sự tại Điều 155 đã quy định tội dâm ô người dưới 16 tuổi không thuộc diện chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại”, ông Bộ lưu ý và cho rằng, như vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cơ quan tiến hành tố tụng để quá dài, không thực hiện một cách kịp thời dẫn đến dư luận sốt ruột, bức xúc.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thì bày tỏ băn khoăn về công tác phối hợp của các cơ quan trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

 “Tôi sợ nhất nghe câu cả hệ thống chính trị vào cuộc, khi nó như thế gần như chẳng có ai vào cuộc hay làm một cách hô hào, hời hợt, sức phối hợp thì rất yếu”, ông Cương phát biểu.

Liên hệ vụ việc trực tiếp, ông Cương chỉ rõ sự bất cập khi người dân đi đổi 100 USD tại cơ sở không được cấp phép thì bị phạt 90 triệu. Thế nhưng, Đỗ Mạnh Hùng dùng vũ lực để ép hôn nữ sinh trong thang máy tại Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã nâng mức xử phạt lên rất cao nhưng thực tế văn bản hướng dẫn quy định cụ thể các mức xử phạt lại chưa đạt yêu cầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, không nói trách nhiệm “chung chung”.

“Hoạt động tố tụng, quản lý Nhà nước phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà nhiệm vụ nói gần đây là bảo vệ phụ nữ, trẻ em, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Các vụ việc không nghiêm minh phải xem xét rất nghiêm khắc”, ông Quyền gay gắt.

Theo ông Quyền, liên quan tới loại tội phạm này thì phòng là chính. Ông cũng chỉ ra một trong những hạn chế lớn hiện nay là do áp dụng pháp luật chưa phù hợp.

“Mỗi một người tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại đó thì chúng ta nghĩ gì. Rõ ràng dư luận bức xúc là bức xúc sự không nghiêm minh của pháp luật. Còn việc tiến hành tố tụng, thu thập chứng cứ là nghiệp vụ của anh chứ không thể nói vì không có chứng cứ nên phạt 200 nghìn. Tôi cho rằng, nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu.

Nói tiếp, ông Quyền thẳng thắn, “nếu không chịu được sức ép của trách nhiệm công vụ thì hãy nghỉ cho người khác làm”.

Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đúng là có một số việc áp dụng theo nghị định thì rất khiên cưỡng nhưng đi tìm quy định khác lại không có. Hiện Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, bổ sung.

Chờ hướng dẫn xác định tội dâm ô trẻ em đến bao giờ?

Tại đây, qua một số vụ việc nổi cộm, bức xúc thời gian qua, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập đến loạt khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung. Trong đó, nổi lên đầu tiên là việc xác định thế nào là hành vi “dâm ô”.

“Đề nghị TAND Tối cao báo cáo việc thực hiện khiến nghị của Uỷ ban Tư pháp về việc hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi, lí do vì sao đến nay chưa ban hành được? Trên thực tế, Tòa án dựa vào văn bản nào để xét xử tội dâm ô?”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nếu không có hướng dẫn xác định rõ thế nào là hiếp dâm, dâm ô và quấy rối tình dục thì khó có thể thống nhất trong cơ quan tố tụng.

“Thông tư liên tịch số 01 có nhắc tới “bộ phận kích thích tình dục”, vậy “bộ phận kích thích tình dục” là bộ phận nào? Thời gian qua, có những hành vi như sờ mông, sờ đùi được người thực hiện lí giải chỉ là đùa vui, giữ gìn trật tự trong lớp thì có chấp nhận được không? Tất cả những điều này đều cần phải được làm rõ”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội dâm ô đối với trẻ em, không để tình trạng bế tắc trong thực thi pháp luật

Giải trình, theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, yêu cầu của Ủy ban Tư pháp vào tháng 4/2017. Thời điểm đó, vẫn đang áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, TAND Tối cao chưa có hướng dẫn được ngay.

Ông Tuệ cho hay, so với luật năm 1999, Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội dâm ô người dưới 16 tuổi đã cụ thể hoá Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành tư pháp Trung ương ban hành từ năm 1998 nhưng có thêm mới là thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

“Cái khó của chúng tôi khi hướng dẫn là không chỉ phân biệt giữa dâm ô và hiếp dâm mà sẽ còn các hành vi khác. Thực tế thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều hình thức, hành vi khiến chúng ta phải nghiên cứu xem hướng dẫn đến mức độ nào để xử lý hình sự cho phù hợp, không bị hình sự hoá các vi phạm hành chính. Hướng dẫn ra đời phải đảm bảo chính xác, có giá trị lâu dài”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết thêm, đơn vị soạn thảo đã tham khảo luật của nhiều nước về vấn đề này.

“Chúng tôi không chỉ bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về việc chưa ban hành hướng dẫn mà ngay cán bộ, anh em trong ngành công an, kiểm sát, tòa án cấp dưới khi vướng mắc trong xử lý vụ việc cũng liên tục hỏi”, lãnh đạo TAND Tối cao bày tỏ và cam kết, trong năm nay sẽ ban hành hướng dẫn, nhanh nhất có thể tháng 9 - 10 sẽ công bố.

Một lần nữa, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn việc áp dụng thống nhất để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, không để tình trạng bế tắc trong thực thi pháp luật.

Hương Giang