“Án tham nhũng khó hơn cả án ma tuý

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, yêu cầu chính trị là làm sao đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm, đi đôi với đó là bảo vệ quyền con người.

“Bắt và không bắt, mỗi một động tác có 2 mặt. Bắt phục vụ công tác điều tra nhưng đụng chạm một mức độ nào đó về quyền con người. Không bắt thì khó có thể điều tra”, ông Trí nói và nhấn mạnh, thời gian qua các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn không có trường hợp nào để đối tượng bên ngoài mà nhận tội cả.

Ông cho hay, để bảo vệ quyền con người, thời hạn điều tra “không chế” trong 4 tháng. Tuy nhiên, theo ông, khi làm Luật Tố tụng Hình sự, “không hình dung ra quy mô các vụ án kinh tế, tham nhũng, kể cả ma túy lớn như thế” nên phải khoanh cắt vụ án để làm tiếp.

“Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là biện pháp tố tụng chống oan sai, lọt tội chứ không có tội lỗi gì cả”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh và cho rằng, trả lại hồ sơ nhưng không xù, không treo. Cuối cùng là vẫn chứng minh được tội phạm, truy tố, xét xử đúng như bản chất tội phạm thì luật cho phép.

Cho hay, “án tham nhũng và án kinh tế trả tới trả lui là vì sự phản kháng và chống đỡ của các đối tượng phạm tội”, Viện trượng Viện KSND Tối cao cũng đề cấp đến thương vụ Mobifone mua AVG.

Theo ông, việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu là từ "miệng", nên đấu tranh để cho họ nhận là đã nhận hối lộ tiền triệu đô là không đơn giản.

"Ngay từ đoạn đầu đã khó khăn, riêng chuyện mời mấy ông Bộ trưởng, Trung ương vào trong trại giam cũng là một cuộc đấu tranh. Nhiều người nói tôi là đừng bắt, nhưng không bắt không làm được, trong khi Đảng hỏi tại sao không làm", ông Trí nói.

Ông Trí cho rằng, chất lượng điều tra án tham nhũng đang có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là trong vụ đại án xảy ra tại MobiFone, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã phải thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà khai nhận 2,5 triệu USD...

Theo Viện trưởng, kết quả này là "chưa từng có" trong điều tra các vụ án tham nhũng. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ông mong có sự chia sẻ động viên "vì án tham nhũng khó hơn cả án ma tuý”.

Cán bộ làm sai phải xử dù rất đau lòng

Một vấn đề nữa được Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề cập đến là vấn đề tạm giữ, tạm giam. Theo ông, quá trình thực hiện có thể dẫn đế oan sai, nhưng tỷ lệ không phải bao trùm.

Bởi có những loại tội phạm khi vừa bắt quả tang, nhận nguồn tin khẩn cấp như đá gà, ma túy, đánh bạc mà không “gom” lại thì đối tượng sẽ chạy. Vấn đề là khi thực hiện biện pháp tạm giữ phải phân loại, đối tượng nào cần thiết thì giữ lại tiếp tục điều tra, khởi tố, còn lại trả về.

"Tôi đi vào trại giam Long Hòa, ra khỏi trại giam vui là thấy anh em làm tốt nhưng trong lòng rất băn khoăn là nhiều cháu sinh năm 2000, 2001, rất là đau lòng", ông Trí bày tỏ và nêu quan điểm, những hành vi phạm tội mà xử lý hành chính, giáo dục tốt hơn hình sự thì áp dụng chứ không phải lúc nào cũng “đưa vào tù hết”.

“Khi ở tù ra tương lai con người đã méo mó, muốn khắc phục lại không phải ai cũng làm được”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nêu.

Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, “đã đưa một con người vào trại, khi ra, họ làm lại cuộc đời rất khó khăn và vừa quá tải trại giam, vừa tốn tiền của Nhà nước”.

Tuy nhiên, bà Nga lưu ý, vừa qua có những trường hợp vi phạm tai nạn giao thông, đánh bạc có hiện tượng lạm dụng tạm giam.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, ông nhận thức được tất cả các yêu cầu và đã quán triệt thông qua công tác cán bộ; siết chặt trật tự, kỷ cương, đạo đức công vụ trong ngành; thanh tra khi thấy có dấu hiệu thì xử lý rất quyết liệt.

“Sai là chúng tôi xử mặc dù rất đau lòng”, ông Trí phát biểu, không phải không thương cán bộ nhưng phải xử lý nghiêm một vài trường hợp nghiêm túc để răn đe.

Hương Giang