Ngày 4/10, diễn ra Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.

Hút hơn 330 tỷ USD vốn FDI

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 30 năm qua, khu vực FDI là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20/9/2018, cả nước có hơn 26.600 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Mức đóng góp của khu vực FDI trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.

Điều này cho thấy, những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong thực hiện chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn mới.

Đầu tư nước ngoài cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả là từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012 và trong 9 tháng đầu năm nay đã xuất siêu tới 5,39 tỷ USD. Ở khía cạnh xã hội, khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp…

Nhưng như nhận định của Bộ trưởng KH&ĐT, một số định hướng chiến lược thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Tổng kết 30 năm thu hút FDI, chính là dịp để điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm khắc phục những tồn tại, để thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng, cả trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong nước.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, lượng vốn giải ngân nói chung vẫn còn thấp so với vốn đăng ký. Trong suốt 3 thập kỷ qua, mới có hơn một nửa vốn đăng ký (tính lũy kế) được giải ngân, nghĩa là vẫn còn tới hàng trăm tỷ USD “treo” lơ lửng.

Mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ còn khiếm tốn. Đáng lưu ý, còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; thậm chí đầu tư “chui”…

"Chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng", Bộ trưởng Dũng gửi lời đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại đây, nhiều ý kiến thẳng thắn đánh giá về môi trường đầu tư, cơ hội, tiềm năng đầu tư, cũng như những hạn chế, tồn tại, thách thức, từ đó đưa ra khuyến nghị chính sách khơi dòng vốn FDI vào Việt Nam.

“Cảm ơn các nhà đầu tư tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam, cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng thăm gian hàng của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Quang Hiếu

 

Nâng tầm hợp tác

Theo Thủ tướng, sau 30 năm thu hút FDI, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác FDI” với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội.

Hợp tác FDI mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn. “Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy”, Thủ tướng nói, điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác FDI có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...

Nhất là chuyển từ tư duy thụ động, bị doanh nghiệp FDI “mua” sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Cũng theo Thủ tướng, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phải trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về FDI giữa các cơ quan Trung ương và địa phương…

“Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi", Thủ tướng khẳng định.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ KH&ĐT hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút FDI, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác FDI đến năm 2030.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cơ quan, tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp FDI có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Và dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã trao các văn kiện hợp tác đầu tư.

Hương Giang