Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra chiều ngày 1/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngày 23/1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, chúng ta đã bắt đầu chống dịch.

Đến thời điểm này, chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần “toàn dân chống dịch”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.

Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành Y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.

Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành Y tế, Quân đội, Công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

Điều đặc biệt, mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1/4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1/2020.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.

Như tin Báo Thanh tra đã đưa, ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.

Theo quyết định, các biện pháp phòng, chống dịch gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; kiểm soát ra, vào vùng có dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:

Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện; bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quy định nêu trên được thực hiện kể từ ngày 28/1/2020.

Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều

Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19, trong giai đoạn 1, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17.

Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì Việt Nam thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và hiệu quả.

Ngày 1/4, Việt Nam có tổng số 212 ca dương tính (bao gồm 16 ca giai đoạn 1), trong đó 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 2 lần trở lên. Như vậy hiện còn 149 ca bệnh Covid-19 trong đó 54 ca đã âm tính 1 lần. (4 ca bệnh nặng đã có 3 ca không cần thở máy, 1 ca chuẩn bị chuyển từ ECMO sang thở máy). Chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Hương Giang