Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, tầm quan trọng của cán bộ thanh tra. Với tư duy nhất quán “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc” ngày 6/2/1961, Người khẳng định: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” (1). Do vậy, Người yêu cầu phải tăng cường công tác tổ chức, cán bộ thanh tra cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là chất lượng, là một yêu cầu cần thiết để công tác thanh tra phát huy được vai trò của mình. Thanh tra là công tác quan trọng, vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra: “Một số ban thanh tra chưa được củng cố, cán bộ còn thiếu vì các cấp lãnh đạo địa phương chưa nhận rõ công tác thanh tra là quan trọng, nên chưa chú ý tăng cường cán bộ đúng mức, chưa giúp đỡ, lãnh đạo nó một cách chặt chẽ” (2).

Không chỉ khẳng định vị trí, tầm quan trọng của cán bộ thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành những tình cảm đặc biệt cho đội ngũ cán bộ này, nhất là những cán bộ thanh tra luôn một lòng, một dạ “vì dân, vì nước”. Vì vậy, trong “Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu”, Người viết: “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân thành lập, đến thời kỳ kháng chiến cứu nước, tôi đã thay mặt Chính phủ và Đoàn thể, giao phó cho chú những trách nhiệm nặng nề. Khi lãnh đạo Liên khu IV, khi giữ chức Tổng thanh tra và kiêm Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị, chú không quản khó nhọc, luôn luôn vui vẻ làm tròn nhiệm vụ. Ngày nay, kháng chiến đang tiến sang giai đoạn mới, công việc ngày càng nhiều, đồng bào, Chính phủ và Đoàn thể đang cần những người con đắc lực như chú. Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết” (3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những phẩm chất, năng lực nhất thiết phải có của người cán bộ thanh tra. 

Một trong những phẩm chất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra đối với người cán bộ nói chung, cán bộ thanh tra là phải “công tâm”. Trong “Báo cáo của phân đội Việt Nam thuộc Hội quốc tế chống xâm lược” do Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (Quảng Tây - Trung Quốc) từ ngày 25 – 28/3/1944, ở mục “III - Cách lãnh đạo”, Người cho rằng: “Về tư cách mà nói, mỗi người một tư cách khác nhau: Một số là những người tài giỏi; một số là những bậc lão thành, có danh vọng được nhân dân tín nhiệm. Tuy vậy, họ giống nhau ở chỗ đều là những nhân sĩ thiết tha yêu nước, liêm khiết, trung thực, công tâm” (4). 

Vì vậy, Người yêu cầu các cấp, nhất là cấp cơ sở phải coi “công tâm” là một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn cán bộ: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”; đồng thời, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người cũng chỉ ra phương thức làm việc của người cán bộ làm sao để đảm bảo sự công tâm: “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh” (5). Bởi theo Người: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo” (6).

Không dừng lại ở đó, Người còn yêu cầu đội ngũ cán không những phải “công tâm” mà còn phải “thạo việc”; nói cách khác, họ phải có cả phẩm chất và năng lực - vừa “hồng”, vừa “chuyên”, Người nhấn mạnh: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung” (7). Thạo việc ở đây được thể hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo, quản lý; phương thức làm việc khoa học và luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ; trái hẳn với việc đòi hỏi phải làm theo như kiểu rập khuôn máy móc; càng không phải là cách làm việc hình thức, qua loa, mà là đòi hỏi sự gương mẫu rất cao độ, rất sáng tạo và rất cầu thị của mỗi cán bộ; năng lực này trở thành yêu cầu cấp thiết trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng, vừa chuyên”. 

Thứ nhất, theo Người, về nguyên tắc Đảng phải lãnh đạo công tác thanh tra và xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra; Người giải thích “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” (8). Do đó, Đảng phải quan tâm lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Người căn dặn: “Các ban thanh tra làm việc tốt, nhanh hay làm kém, chậm, trước hết là do bản thân mỗi ban cố gắng nhiều hay ít, nhưng còn do cấp lãnh đạo có quan tâm đến công tác thanh tra hay không. Các cấp lãnh đạo phải giúp đỡ các ban thanh tra làm việc tốt, phải quan tâm lãnh đạo công tác thanh tra” (9).

Củng cố tổ chức, đáp ứng đủ số lượng cán bộ làm công tác thanh tra là một yêu cầu quan trọng, tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra. Lựa chọn, bố trí người làm công tác thanh tra đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm là yêu cầu tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Do đó, Hồ Chủ tịch chỉ ra nguyên tắc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra đó là: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm” (10).

Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác thanh tra là một nội dung, một phương thức thực hiện sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, do vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Hiệu lực, hiệu quả đó ra sao suy đến cùng là đội ngũ cán bộ thanh tra yếu hay mạnh.

Thứ hai, theo Người, để tiến bộ, mỗi cán bộ thanh tra phải khắc phục một số khuyết điểm của ngành như: “một số cán bộ thanh tra còn rụt rè, nể nang đối với một số cán bộ cao cấp của các cơ quan được kiểm tra, buông trôi việc theo dõi các cơ quan sửa chữa khuyết điểm sau khi được kiểm tra, cách làm việc còn chậm chạp, không kịp thời giải quyết một số thư khiếu nại của nhân dân...” (11). 

Trong Đảng ta gồm những người có tài, có đức, phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết dũng cảm nhất. Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, làm việc đều hay. Do vậy thanh tra là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm sai lầm, sửa chữa thói hư tật xấu, thải loại những kẻ thoái hóa biến chất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Vì vậy, Người nhắc nhở cán bộ thanh tra phải: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín” (12).

Thanh tra là công tác đặc biệt quan trọng, vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra theo lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để hoàn thành nhiệm vụ thì tư tưởng và tác phong của cán bộ phải chuyển mạnh. Chúng ta phải kiên quyết chấp hành đúng đắn chính sách của Đảng và Chính phủ, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Ngành Thanh tra phải như vậy, các ngành khác cũng phải như vậy” (13).

TS. Hà Sơn Thái 
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

-------------------
Chú thích:
(1), (8), (11), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.35; tr.35; tr.35; tr.36
(2) Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, Hà Nội, 1977, tr.7
(3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.148
(4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.482
(5), (6), (7), (10), (12) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.123; tr.473; tr.119-120; tr.637; tr. 327
(9) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.504