Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính là những đạo luật quan trọng, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, việc triển khai thi hành các đạo luật này là rất cần thiết và quan trọng, nhằm đưa các đạo luật đi vào cuộc sống, phát huy giá trị thực tiễn, nhất là những điểm mới, tiến bộ.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về nội dung và ý nghĩa của các đạo luật này, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tổ chức tốt việc thực thi pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, 6 phần, 27 chương với 689 điều.

Theo đó, đã thể chế hóa đầy đủ, tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Để kịp thời phục vụ công tác triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ Tư pháp đã xây dựng tài liệu “nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015” để giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị ở đầu cầu Hà Nội

Liên quan đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Phó chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hoa cho biết, so với Bộ luật cũ, luật mới chỉ giữ nguyên 63 điều; sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 7 điều.

Đáng chú ý, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung các chương: thủ tục rút gọn; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn…; yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Tại Hội nghị, Phó chánh án Bùi Ngọc Hoa cũng trình bày các điểm mới hoàn toàn của Luật Tố tụng hành chính như xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại; xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng; giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn; thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài…

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 và còn được áp dụng cả đối với các vụ án đã thụ lý, bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 1/7/2016, nhưng kể từ ngày 1/7/2016 mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Luật này, còn được áp dụng để thi hành án đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 1/7/2016, nhưng đến ngày 1/7/2016 vẫn chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong. 

Chính phủ cũng đã quy định, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật tố tụng hành chính trên phạm vi cả nước.

Thảo Nguyên