Sáng ngày 7/9, tiếp tục chương trình làm việc, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho hay, mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện có hai loại ký kiến khác nhau.

Hai loại ý kiến về mô hình

Loại ý kiến thứ nhất của cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).

Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Luật quy định các trường đại học tùy theo nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh, tự nguyện hoặc được Nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/hệ thống các trường đại học hoặc khi một trường đại học tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường đại học thì được hình thành một đại học.

Hệ thống này được quản lý, vận hành trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung, được luật pháp bảo vệ và có những quyền tự chủ của hệ thống.

“Quy định theo hướng này có ưu điểm là tạo được sự rõ ràng, mạch lạc trong hệ thống giáo dục đại học; tạo hành lang pháp lý kết hợp được tiềm năng, lợi thế của các trường đại học để tạo nên sức mạnh hệ thống, tổng hợp, tăng cường tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống đại học quốc tế và từng bước hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của đất nước”, ông Bình nói.

Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, thực tế xây dựng hai đại học quốc gia, đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế và nguồn lực phù hợp.

Loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học có: đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.

Nhận định, “quy định này có vẻ tường minh, công bằng khi coi tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là đại học và phân biệt với nhau chỉ thông qua nhiệm vụ được giao”, tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, thực tế vẫn tồn tại các thực thể được gọi là cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học, học viện, đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình. Ảnh: TN

“Quy định này chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học”, ông Bình cho biết.

Hơn nữa, các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này.

“Việc ổn định của hệ thống giáo dục đại học hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn”, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu.

Đại học Quốc gia, nghe thì hoành tráng, nhưng…

Được mời cho ý kiến, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mô hình trong dự thảo luật chưa giải quyết được triệt để theo xu hướng thế giới, cũng như mong muốn của các trường đại học trong nước.

“Tại sao chỉ 2 Đại học Quốc gia và đại học vùng được gọi là đại học, còn những trường rất có uy tín, lớn về quy mô, số ngành đào tạo như Đại học Bách khoa hay Đại học Kinh tế Quốc dân lại không được gọi là đại học”, lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề và cho rằng, luật ra như vậy thì chưa tạo được động lực để tất cả các trường vươn lên.

Thêm vào đó, khi hội nhập sẽ rất khó giải thích như khi dịch ra tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có 1 chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là university.

Phó Thủ tướng cũng "nói thẳng thắn" về những hạn chế trong mô hình tổ chức 2 Đại học Quốc gia cũng như ba đại học vùng hiện nay. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi.

Vì thế, phương án cơ quan thẩm tra sẽ khó giải quyết được những bất cập đã bộc lộ hiện nay. Trong khi, phương án của ban soạn thảo đề ra theo nguyện vọng của nhiều trường đại học thì có phần giải quyết được.

“Tâm tư của anh, em của các trường đại học chúng ta phải tính tới. Mô hình theo ban soạn thảo giải quyết được vấn đề đó. Đại học bao gồm, Đại học Quốc gia, đại học khu vực, đại học vùng và các trường đại học lớn sau này phát triển lên. Không nên vì tên trường mà ấn người ta vào ở mức đó thôi, không được vươn lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: TN

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là sự cạnh tranh của giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ trong nước mà còn phải năng động hơn để cạnh tranh với cả quốc tế.

Theo ông Bình, khuynh hướng trên thế giới là các trường đại học được phép kết hợp với nhau để tạo thành một tổ hợp, hệ thống. Như ở Pháp, hàng trăm trường gom lại thành 25 hệ thống. Cùng với đó, là đa lĩnh vực, thậm chí đến trường Y cũng không đứng được một mình mà cần đứng trong một tổ hợp, trung tâm khoa học công nghệ.

Các trường đại học cũng không chỉ đứng bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội mà phải trở thành một thành tố của địa phương.

“Hiện nay trên thế giới có khuynh hướng này để tạo ra hệ thống. Chúng ta phải nhìn nhận, khi trở thành tổ hợp đại học, các trường vẫn là các trường đại học nhưng bây giờ anh bắt đầu có những tổ hợp”, ông Bình lập luận và nhấn mạnh, Nhà nước điều tiết bằng các chính sách, tạo hành lang pháp lý để các trường liên kết lại với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh thêm, sự kết hợp của Đại học Quốc gia không phải là không có kết quả.

Dùng quyền tranh luận ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu, không nên phức tạp mô hình.

“Bất cập hiện nay là cứ nhìn vào quy mô mà không nhìn vào thực lực, chất lượng, xu thế phát triển, nhu cầu của đất nước và người học”, ông Nhưỡng nói.

Theo ĐB, mô hình cơ sở giáo dục đào tạo phải đảm bảo 4 yếu tố: 1- Cơ sở phải có tư cách pháp nhân, phải chịu trách nhiệm. 2- Bình đẳng như nhau từ đào tạo và sáng tạo. 3 - Không phân biệt quy mô to nhỏ, loại hình công lập hay tư thục, nếu tiếp tục phân biệt là giết chết sáng tạo, không huy động nguồn lực xã hội. 4- Cơ hội tiếp cận nguồn lực, cải tiến phục vụ hoạt động cạnh tranh trong đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ.

“Cứ nói đến Đại học Quốc gia là hoành tráng, nhưng không phải trường nào, khoa nào cũng được tốt. Trong khi đó, Đại học Quốc gia lại sinh ra bộ máy trung gian, quản lý còn các trường khác tự quản lý. Câu chuyện này hoàn toàn khác”, ông Nhưỡng nhận định.

Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Đại học Quốc gia là liên kết cứng, còn nước ngoài là liên kết mềm.

“Liên kết mềm phải do nhu cầu, nhu cầu phải do thực lực, thực lực phải do tự chủ. Tự cường, tự chủ là tạo điều kiện liên kết chứ không nên bắt phải liên kết”, ông Nhưỡng chốt lại.

Hương Giang