Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6 (chuẩn bị khai mạc cuối tháng 10 tới đây).

Đúng thời điểm

Ngày 4/10, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là bình thường.

“Nhiều nước đã làm như vậy. Kể cả trước đây và hiện nay, kể cả nước lớn và nước nhỏ, kể cả nước ở gần ta và nước ở xa ta”, ông Hoàng nói, bản chất vấn đề ở đây là một người nhưng được phân công 2 nhiệm vụ, vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, với thời điểm hiện nay, theo nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương là đúng thời điểm.

“Thực ra, mấy nhiệm kỳ trước đã bàn vấn đề này rồi. Nhưng còn ý kiến khác nhau và do tình hình cụ thể lúc đó nên chưa thực hiện được. Bây giờ, đã chín muồi rồi, nên tôi rất ủng hộ và hoan nghênh chủ trương này”, ông Vũ Ngọc Hoàng nhận định.

Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thấy, việc Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước có nhiều cái lợi. Đầu tiên, là tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp công việc của Đảng và Nhà nước, kể cả phối hợp trong đối nội, đối ngoại cũng rất thuận lợi.

Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương từ Đảng sang Nhà nước sẽ nhanh hơn, kịp thời hơn. Bộ máy cũng được tinh gọn lại…

Giới thiệu Tổng Bí thư là phương án tốt nhất

Cũng theo ông Hoàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bầu làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất.

“Quan sát cán bộ, đảng viên và nhân dân, tôi thấy họ hoan nghênh, ủng hộ lắm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hội đủ các điều kiện, uy tín để đảm nhận hai nhiệm vụ quan trọng của đất nước cùng lúc”, ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

Ông Hoàng tin tưởng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Bởi theo ông Hoàng, Tổng Bí thư là người trong sạch, có nhân cách, có đạo đức. Thời gian qua, Tổng Bí thư đã để lại trong lòng người dân hình ảnh tâm huyết với đất nước, đặt lợi ích chung lên trên, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, được cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ, nhân dân tin tưởng.

Hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, rồi làm Tổng Bí thư. Cho nên, là người có kinh nghiệm thực tế cả bên Đảng và Nhà nước.

“Hơn nửa nhiệm kỳ Khóa XII, đất nước đã đạt được những thành tựu, kết quả tốt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Mọi người mong bác Trọng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, như thế tình hình đất nước chắc chắn sẽ tốt hơn nữa”, ông Hoàng bày tỏ.

Phải tâm huyết với đất nước, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết

Trước những băn khoăn về cơ chế kiểm soát quyền lực người giữ cương vị vừa là Tổng Bí thư, vừa là Chủ tịch nước, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, đó cũng là vấn đề chính đáng.

“Tôi nghĩ, kiểm soát quyền lực là bàn ở thể chế, cơ chế chứ không phải bàn ở một người, hai người hay vị trí này vị trí kia”, ông Hoàng phân tích và cho rằng, bên cạnh kiểm soát quyền lực bằng thể chế, cơ chế cụ thể, có thể kiểm soát bằng tham chính của dân, công luận...

Cũng theo nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cần có những tiêu chí cụ thể để một cá nhân đảm nhận vừa là người đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước. “Bởi đây không phải làm cho một nhiệm kỳ, mà cả sau này”, ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

Ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, người giữ cương vị Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước phải là người tâm huyết với đất nước, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Về mặt nhân cách phải là người có uy tín, trong sạch, được đông đảo nhân dân, đảng viên ủng hộ. Đồng thời, có năng lực, kinh nghiệm đảm đương công việc và phải có mong muốn, quyết tâm đổi mới…

Hương Giang