“Nhà mình phải tốt trước khi yêu cầu nhà khác tốt”

Theo báo cáo, sau gần 3 năm hoạt động, Tổ Công tác đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Qua các cuộc kiểm tra, Tổ Công tác đã quán triệt yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là trong xây dựng hoàn thiện thể chế phải từ bỏ tư tưởng “cài cắm”, “tham nhũng chính sách”.
“Phải rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp không phù hợp với quan điểm, tư tưởng xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, hướng tới người dân, doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ Công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết.

Tổ Công tác cũng kịp thời phát hiện những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống, lỗ hổng pháp lý cần khẩn trương ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước như việc thay đổi chính sách thuế cho lượng vải dư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nằm trong định mức 3% tiết kiệm được của doanh nghiệp thuộc hàng dệt may Việt Nam…

Đặc biệt, tại 19 cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh đã được Tổ Công tác phát hiện, nêu rất cụ thể, khách quan thẳng thắn những bất cập, chồng chéo trong các quy định hiện hành thuộc trách trách nhiệm của các bộ, cơ quan, cũng như sự trì trệ, lúng túng của các đơn vị thực thi.

Từ đó, đã thúc đẩy các bộ, cơ quan nhận diện đúng vấn đề cần thay đổi, cải cách, không bao biện, né tránh, để tạo hiệu ứng tích cực, tạo bước chuyển căn bản cả về chất và lượng trong cải cách…

Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản được gần 6.780 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và hơn 3.300 điều kiện kinh doanh được đơn giản, cắt giảm, giúp tiết kiệm được gần 17,5 triệu ngày công, tương đương gần 6.600 tỷ đồng/năm.

Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết làm dư luận quan tâm, bức xúc đã được Tổ Công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và đã được các bộ, cơ quan, địa phương khắc phục chấn chỉnh kịp thời như việc hỗ trợ tiêu thu, tiêu hủy các lô hàng hải sản tồn kho của người dân, doanh nghiệp 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trương biển; công tác thẩm định, thanh tra, giám sát chất lượng công trình, dự án BOT… 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, với tinh thần cầu thị, nói đi đối với làm và với quan điểm “nhà mình phải tốt trước khi yêu cầu nhà khác tốt” ngay sau khi được thành lập, tháng 9/2016, Tổ Công tác đã kiểm tra VPCP.

“Một số tồn tại của VPCP được nêu tại cuộc kiểm tra đã được rút kinh nghiệm và khắc phục ngay”, Bộ trưởng Dũng thông tin và cho biết, cơ quan này đã chủ động xử lý các vấn đề khi còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, điạ phương nhằm giảm áp lực công việc, cũng như đẩy nhiệm vụ lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Không được né tránh"

Lắng nghe báo cáo, ý kiến của chuyên gia, các thành viên Tổ Công tác, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được, cũng như tinh thần, trách nhiệm của Tổ Công tác khi làm việc với tinh thần quyết liệt, chủ động, không né tránh, không ngại va chạm, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP…

“Sự độc lập, không ngại va chạm của các đồng chí là vấn đề rất quan trọng. Phong bao, phong bì đưa tới thì ngại nói lắm”, người đứng đầu Chính phủ nói và nhấn mạnh, “các đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan Nhà nước”.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ, còn bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian, vẫn báo cáo xin lùi thời gian, nhiều đề án lùi từ tháng này, sang tháng khác. Trong khi, đây là vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ, cần kiên quyết khắc phục.

“Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ trong vấn đề thực thi triển khai nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Mất lòng trước thì đỡ mất lòng sau, ông bà ta vẫn nói như vậy. Cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh”, Thủ tướng lưu ý và đặt vấn đề, năm 2019, Tổ công tác bứt phá thế nào để thực hiện phương châm hoạt động của Chính phủ?

Theo ông, Tổ công tác không làm thay cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành mà phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thể chế, chính sách, tìm nguyên nhân. Đồng thời; cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào một số việc lớn; kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương của Nghị quyết 01, 02 bao gồm cả kiểm tra đột xuất một số việc nổi cộm mà dư luận phản ánh…

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường kiểm tra công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, sớm chấm dứt tình trạng chậm các dự án, đề án, nhất là dự án luật, tránh tình trạng như Quốc hội nói là “bắc nước, chờ gạo”. Song song với đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, làm sao để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính chuyển động thực sự để “từ lực đẩy của mình, giảm lực kéo của Thủ tướng”.

“Tổ Công tác làm đúng chức năng, kiểm tra đôn đốc nhiệm vụ, chứ không phải qua kiểm tra lại giao thêm việc cho các bộ, cơ quan. Trước và sau kiểm tra, Tổ trưởng Tổ Công tác phải có báo cáo với Thủ tướng để có sự đánh giá, khen, chê kịp thời, phù hợp và chính xác, khách quan”, người đứng đầu Chính phủ nói thêm.

Hương Giang