Sáng ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

“Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Quá trình thảo luận, lấy ý kiến còn có ý kiến khác nhau.

Đến phiên họp thứ 36, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.

Dù vậy, theo phản ánh của cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định tại kỳ họp 8 (dự kiến khai mạc vào tháng 10/2019).

Do đó, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội xin báo cáo đề xuất hai phương án.

Phương án 1, giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội

Theo cơ quan thẩm tra, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Theo bà Thuý Anh, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Thường vụ Quốc hội giữ nguyên quan điểm không tăng giờ làm thêm

Chung quan điểm với cơ quan thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đã không giảm được giờ làm thì giữ nguyên như hiện hành để tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và nắm bắt các thông tin xã hội.

“Nếu tăng giờ để tăng năng suất thì doanh nghiệp sẽ hạn chế cải tiến công nghệ mà tận dụng sức người. Như vậy người lao động rất khổ, không có thời gian chăm sóc gia đình”, ông Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, không thể tăng giờ làm thêm, mà thậm chí phải nghĩ tiếp tới việc giảm vì đó là xu thế. Theo bà, nếu đi làm liên tục, tăng ca thì sẽ gây áp lực lên đời sống của người công nhân, họ không được thụ hưởng tất cả thành quả của xã hội do chính họ góp phần làm nên.

“Tại sao những vụ bạo lực gia đình, sự xuống cấp của xã hội như chồng giết vợ, anh giết em có nguồn gốc từ những việc lao động quá sức thế này”, bà Hải nêu vấn đề.

Ủng hộ giữ nguyên như hiện hành, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ vẫn đề nghị thì tôn trọng ý kiến của Chính phủ để trình ra Quốc hội cho ý kiến. Nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ nguyên quan điểm không tăng giờ làm thêm.

Nhắc lại đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không muốn tăng giờ làm thêm, nhưng Chính phủ “tha thiết” đề nghị do có nhu cầu thực tế từ cả người lao động và người sử dụng lao động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trình cả 2 phương án ra Quốc hội cho ý kiến.

Đề xuất Chính phủ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Về tuổi nghỉ hưu, bà Thúy Anh cho biết, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục trình 2 phương án:

Phương án 1,tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Phương án 2,tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đa số trong Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội tán thành phương án 1. Theo bà Thuý Anh, phương án này, “bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng”.


Hương Giang