Bộ trưởng sẽ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.

Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển cũng là vấn đề chờ Tư lệnh ngành NN&PTNT trả lời.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Cường có Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho hay, vấn đề gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu cho thuỷ sản Việt là vấn đề ông quan tâm và muốn chất vấn Bộ trưởng Cường.

Theo ông Giang, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực để Liên minh Châu Âu rút lại “thẻ vàng”, song tàu cá vẫn vi phạm. 

“Tôi rất lo lắng nếu chúng ta không “gỡ” được thẻ vàng. Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Thái Trường Giang nêu câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

“Chưa lần nào Bộ trưởng trả lời mà tôi cảm thấy vui”, bà Tuyết nói và cho rằng, Bộ trưởng đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng chưa đưa giải pháp đó đi vào cụ thể để người nông dân có thể sống được và làm giàu từ nông nghiệp.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, cần có những giải pháp để tránh xảy ra tình trạng lâu lâu lại phải “giải cứu” một mặt hàng nào đó.

“Vấn đề ở đây là phải đảm bảo để nông sản của chúng ta đến được nhiều thị trường mà không phải chỉ phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào đó”, bà Tuyết nói.

Nữ đại biểu nêu, người Việt Nam sử dụng rất nhiều nông sản nhập khẩu vì nghĩ rằng an toàn hơn nông sản trong nước như trái cây, rau củ…

“Nếu như nông sản Việt Nam thay thế được những sản phẩm đó thì cũng mang lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân của mình”, đại biểu Bạch Tuyết nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nếu không chống được khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU). Nghiêm trọng hơn, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc để gỡ “thẻ vàng”.

Nhờ vậy, đến nay đã có chuyến biến rõ rệt như cơ bản chấm dứt được tình trạng tàu cá và ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước hết cho nhóm tàu có chiều từ 24 mét trở lên.

“Hiện đã công bố danh sách cảng cá chỉ định đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản; một số cảng cá đã thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và sản lượng thủy sản qua cảng theo quy định”, báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi đại biểu nội dung chất vấn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tàu cá vẫn sử dụng công cụ cấm, hoạt động sai vùng (đặc biệt là vùng biển ven bờ hoặc vùng biển nước ngoài); lao động trình độ thấp, chưa được đào tạo nhiều nên khó tiếp thu việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn…

Còn để tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT cũng cho hay đã đạt nhiều kết quả, trong đó có việc đàm phán mở cửa thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường. 

Bộ này thừa nhận, vai trò của các bên liên kết trong chuỗi giá trị nông sản vẫn nhiều hạn chế (hợp tác xã nông nghiệp chưa làm được vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp; các nhà khoa học không thể tham gia ký hợp đồng liên kết,... ); tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm ở nhiều địa phương cũng chậm...

Hương Giang