Đây được xem là cuộc làm việc “trọng điểm cấp vùng” thứ 2 của Thủ tướng sau cuộc giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, tại Thừa Thiên - Huế gần 3 tháng trước đây.

Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong…

Cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành; Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành; phía Nam gồm 8 tỉnh, thành và Đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xác định là năng động, giữ tỉ trọng kinh tế cao nhất, là vùng kinh tế chủ lực trong 4 vùng kinh tế trọng điểm cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đi đầu trong một số ngành tiên tiến, như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch.

Tuy là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất và năng động của cả nước, nhưng những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Sự liên kết vùng chưa chặt chẽ. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng thiếu đột phá…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như cơ chế quản lý điều phối và chính sách thúc đẩy tăng trưởng; liên kết phát triển hạ tầng giao thông, logistics; chất lượng nguồn nhân lực... 

Theo kế hoạch, các đại biểu sẽ đưa ra những khuyến nghị, cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng, nhằm xem lại những mặt được và chưa được trong thời gian qua, phát huy thế mạnh phát triển vùng nhưng đồng thời phải tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những "điểm nghẽn".

Trước đó, ngày 5/5, trong chuyến công tác tại Đồng Nai, Thủ tướng đã đến thăm hai gia đình có con là liệt sĩ: Bà Ngô Bạch Tuyết, xã Hiệp Hòa,  TPBiên Hòa, mẹ của liệt sĩ Lý Công Tâm và bà Nguyễn Thị Thu, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Thi. Hiện bà Thu đã 96 tuổi đang sống cùng người con thứ 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi gia đình mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Thu (phường Quyết Thắng). Ảnh: Nghiêm Lan

Thủ tướng đã ân cần động viên và bày tỏ lòng biết ơn của Đảng và Nhà nước với gia đình liệt sĩ Lý Công Tâm và liệt sĩ Nguyễn Đình Thi đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thủ tướng cũng nhắc nhở lãnh đạo địa phương, tiếp tục chăm lo tốt cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các gia đình có công với đất nước.

Nghiêm Lan