Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại niềm tin cho toàn xã hội.

Chúng ta cũng đã phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi - đạt con số thế giới ngạc nhiên với 99,99% trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi đến trường. Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành Giáo dục đều tăng. Việt Nam cũng có 2 trường đại học trong top 1.000 của thế giới, 7 trường đại học trong top của châu Á.

Cơ sở vật chất trường học ở tất cả bậc học được bổ sung. 5 nghìn trường học được xây mới mới. Người nghèo, người dân tộc, người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn.

Chất lượng giáo viên nhìn chung tăng, đặc biệt trong bối cảnh giảm biên chế toàn quốc vẫn bổ sung hơn 20 nghìn giáo viên mầm non ở 19 tỉnh, thành để đầu tư cho giáo dục mầm non.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, tồn tại để khắc phục.

Đầu tiên phải kể đến là công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường còn kém. Thừa - thiếu trường lớp vẫn tồn tại, còn học sinh phải đi học xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất làm trường học, nhất là trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh HH

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành Giáo dục.

Nhiều địa phương chỉ bố trí đảm bảo giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải. Đơn cử như TP Hà Nội có trường tiểu học lên tới 60 học sinh/lớp, trong khi định mức ở bậc tiểu học là 35-40 cháu/lớp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, giáo dục đạo đức, lối sống trong các trường chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành còn hạn chế. Dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập. Chưa dành thời gian cần thiết cho giáo dục đạo đức lối sống.

Vẫn còn một bộ phận học sinh cũng như giáo viên vi phạm đạo đức lối sống, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội…

Một vấn đề khác cũng khiến Thủ tướng trăn trở, đó là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, các ngành kinh tế mũi nhọn như: Du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao... còn thiếu nhân lực, nhưng việc đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp. Bố trí đủ quỹ đất để xây dựng trường học, đặc biệt là mầm non, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Các trường sư phạm khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học rà soát, sắp xếp các điều kiện để phát triển và tự chủ. "Nhiều trường hiện nay không đảm bảo điều kiện, chất lượng nên hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào, mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện không đủ nhưng vẫn tuyển sinh ồ ạt" - Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh: Không thể chấp nhận chất lượng giáo dục đại học thấp nhu vậy.

Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT phải thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường đại học "hữu danh vô thực", "hữu thực vô danh", nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào quá đáng để kinh doanh, tiến tới đóng cửa các cơ sở giáo dục kém chất lượng, ngành đào tạo chất lượng kém...

Về giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, Thủ tướng đề nghị, cấp ủy chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

“Bộ GD&ĐT phải rà soát giáo dục việc giảng dạy đạo đức lối sống trong các trường đại học, trường phổ thông, đảm bảo số giờ dạy đạo đức, đồng thời phải lồng ghép trong các môn văn hóa khác... Các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ...) cũng có trách nhiệm cùng gia đình, nhà trường chung tay giáo dục đạo đức" - Thủ tướng chỉ đạo.

Hải Hà