Chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Chở hàng viện trợ kết hợp đưa sinh viên Việt ở Vũ Hán về

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thì có 302 sinh viên học ở Vũ Hán, có 281 em về ăn Tết, hiện còn 21 sinh viên còn ở Vũ Hán.

“Trong 281 sinh viên về nước đã có 7 em ra xét nghiệm, 3 người âm tính và 4 người chờ kết quả”, ông Độ nói.

Liên quan đến việc đưa sinh viên Việt Nam từ Vũ Hán về nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lưu ý, phải khống chế số lượng vì hiện còn số lên rất đông.

“Giờ số lượng sinh viên, học sinh Việt Nam ở bên Trung Quốc rất đông, không đặt vấn đề phải đưa số sinh viên này về, mà chỉ sinh viên ở Vũ Hán – trung tâm dịch và có nhu cầu về thôi”, ông Minh nói và nêu rõ, khi đưa số sinh viên này về nước thì vẫn phải cách ly 14 ngày.

Sau khi lắng nghe đại diện các bộ, ngành báo cáo và nêu đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến giải pháp cách ly những người từ vùng dịch về nước trong 14 ngày. Theo ông, giải pháp này phải thực hiện nghiêm.

“UBND các cấp phối hợp với các cơ quan như Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện vấn đề này. Kể cả người đi từ nước khác qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam phải được cách ly vì đây là biện pháp rất quan trọng không để lây nhiễm trong cộng đồng”, Thủ tướng nói.

Với các chuyến bay chở khách về Trung Quốc, theo chỉ đạo của Thủ tướng, chiều về Việt Nam không chở người, trừ chuyến bay từ Vũ Hán có một số sinh viên và phụ huynh được cấp phép bay.

“Cái này được quán triệt rất rõ ràng”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ ngành chuẩn bị hàng hóa viện trợ để sớm đưa đến Vũ Hán và đón bà con ở đây có nguyện vọng về nước.

Chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì tình hình chưa quá phức tạp

Theo nhận định của Thủ tướng, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không chủ quan, nhưng không bi quan hay hoang mang.

“Tinh thần là chống dịch như chống giặc, không để dịch bệnh lây lan, vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao để có chỉ đạo. Bộ Y tế rà soát các kịch bản, phương án ứng phó nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân”, Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Ông cũng nhấn mạnh tinh thần, “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển”.

Theo đó, một số ngành như hàng không, du lịch, nông nghiệp cần có phương án tái cơ cấu sớm. Triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch.

Nhắc đến việc công bố dịch vừa qua, Thủ tướng khẳng định là đúng luật, nhưng “chưa ban bố tình trạng khẩn cấp vì tình hình chưa quá phức tạp”. Nhưng tinh thần là phải hết sức thận trọng.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành cùng phía Trung Quốc tạo điều kiện để đưa công dân Việt Nam từ phía Trung Quốc về nước và ngược lại.

Bộ Công an tiếp tục quản lý tốt việc xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không quốc tế; Bộ Quốc phòng cần quản lý chặt chẽ các đường mòn, lối mở và các cửa khẩu quốc tế trên bộ...

 427 người tử vong

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều TP của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp mắc nhiễm.

Tính đến 15h30 ngày 4/2, trên thế giới đã có 20.631 người mắc, 427 người tử vong; trong đó, ở Trung Quốc có 425 người tử vong, Phillippines 1 người tử vong, Hồng Công (Trung Quốc) 1 người tử vong.

Tại Việt Nam, đã có 10 người mắc nCoV; trong đó có hai cha con người Trung Quốc (một người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (một người đã khỏi và xuất viện); một công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); một công dân Mỹ đến Việt Nam mà trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; một người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cũng đã điều trị thành công một bệnh nhân bị nhiễm nCoV.


Hương Giang