Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 14 tỉnh, TP khu vực miền Trung. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các tỉnh miền Trung tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, trở thành một vùng động lực kinh tế của cả nước. 

Khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh, TP từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, TP với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7% cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người của vùng hiện khoảng gần 2.100 USD/năm, thấp hơn mức bình quân chung 2.600 USD/năm  của cả nước. Mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, có bước phát triển tích cực thời gian qua, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển. Vấn đề đặt ra là, động lực nào để thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá đối với những ngành, lĩnh vực có điều kiện phát triển nhanh, bền vững thời gian tới để vùng có mức phát triển đuổi kịp hai vùng kinh tế trọng điểm ở hai đầu đất nước.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển vùng kinh tế miền Trung không chỉ quan trọng đối với 14 địa phương trong vùng mà là cả nước. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, chỉ ra những nút thắt từ phía bộ, ngành mình. Các địa phương và chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển, qua đó xác định những chính sách cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho vùng.

Thủ tướng kỳ vọng hội nghị lần này đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất giải pháp cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng ngay sau hội nghị, đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm thế mạnh của miền Trung  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý nội dung chính cần tập trung thảo luận như: Về việc miền Trung cần tăng tốc phát triển để có quy mô kinh tế lớn hơn, bởi quy mô kinh tế của vùng hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm trên 19% cả nước. Du lịch là thế mạnh của vùng nhưng doanh thu từ du lịch chỉ chiếm 20% cả nước. Cần thảo luận về những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh là: Thể chế chính sách động lực, ngành động lực, nhân tố động lực, vấn đề, giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển cả về năng suất và chất lượng Vùng kinh tế miền Trung.

Thủ tướng nêu những nội dung quan trọng, đó là vốn con người của 14 tỉnh, TP miền Trung không chỉ có 20 triệu người, còn những người con quê hương miền Trung đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước. Trong đó có rất nhiều nhân tài thuộc các lĩnh vực, đặc biệt rất nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung. Đây là tài sản quan trọng nhưng vấn đề đặt ra là, làm sao để những người con miền Trung giàu có và giỏi đóng góp cho quê hương, làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến với miền Trung sinh sống và làm việc?

Quang cảnh Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung

Các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước. Đồng thời giới thiệu trực tiếp các tiềm năng, cơ hội đầu tư của các tỉnh khu vực miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu trong và ngoài nước.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị để tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương vùng miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những điểm nghẽn, tìm ra những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững và thực hiện thành công chiến lược biển. Thảo luận về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, TP trong vùng miền Trung bứt phá, phát triển bền vững. Trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; thể chế, cơ chế điều phối vùng, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.

N.Phó – L.Bình