Không nhiều người bao che cho vi phạm

Theo đánh giá của các chuyên gia, Đề án Văn hóa công vụ và phong trào thi đua "cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" đã có sự lan toả, đi vào cuộc sống. Thời gian gần đây, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp.

Còn một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử chưa chuẩn mực gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho hay, trong thực tế, một số công chức ngoài giờ hành chính nghĩ rằng mình không phải thực hiện các quy định nêu trong Đề án Văn hoá công vụ.

“Điều này là không đúng. Quyết định đã nói rõ, là công chức thì phải thực thi trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính vì mình là người của Nhà nước”, ông Cường nói. 

PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, vẫn còn có vi phạm là do chế tài chưa đủ mạnh, xử lý lại “nhẹ nhàng, xuề xoà”, thậm chí ở đâu đó còn có hiện tượng bao che. “Nhiều người cho rằng, phải chăng là do có ô, có dù”, ông Can nói.

Đồng ý việc xử lý chưa kịp thời, chưa đủ mạnh để có tính răn đe, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cường, thực tế, có chuyện bản thân cán bộ, công chức không có người bao che. Nhưng khi đi ra ngoài giờ hành chính, họ lại hành động như có người bao che. 

“Tôi nghĩ rằng người bao che trong thực thi công vụ không có nhiều, mà cái này nhiều người tự bản thân tạo ra như thế để nghĩ rằng có thế lực bao che”, ông Cường nêu ý kiến.

Cán bộ đừng hách dịch

Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý, Đề án Văn hoá công vụ được Thủ tướng phê duyệt đã quy định rõ chuẩn mức ứng xử của cán bộ, công chức với người dân khi giải quyết công việc.

Đó là, khi giao tiếp với người dân thì phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ. Cán bộ, công chức phải thực hiện có 4 xin là “xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép” và 4 luôn “mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe và giúp đỡ”.

Vì vậy, theo ông Cường, trong quá trình giải quyết công vụ, cán bộ, công chức phải chuyên nghiệp, minh bạch, không chỉ có năng lực, trình độ mà còn phải có đạo đức.

“Một người công chức, giải quyết công việc cũng như bất kỳ ai, đạo đức không có thì dù có năng lực tốt cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Người có đạo đức mà năng lực kém cũng là cái khó. Năng lực là điều kiện đủ, còn điều kiện cần là đạo đức, đạo đức quyết định mọi vấn đề”, Thứ trưởng Cường nhấn mạnh.

Nhắc đến những sự việc phản cảm vừa qua như gây náo loạn ở sân bay, hành vi không chuẩn mực với phụ nữ, theo ông Can, cần có chế tài xử lý để khi nghe và thấy quy định như vậy.

“Cán bộ, công chức khi giao tiếp với người dân, khách hàng thì đừng thể hiện hách dịch, ghê gớm, ở cao hơn họ mà hãy làm sao để kiềm chế, không được nóng”, PGS.TS Ngô Thành Can nói.

Tại toạ đàm, các ý kiến cũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ sẽ góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng…

Do vậy, mỗi cơ quan, ban, ngành, bên cạnh công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, cần bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý công việc, ứng xử với người dân cho cán bộ, công chức, viên chức

Hương Giang