Ngày ngày 21/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

“Cái gì cũng sợ”

Cho ý kiến, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề, nếu chúng ta cứ theo cách học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình. Rồi, tương lai xã hội sẽ ra sao?

“Thấy những mặt xấu của xã hội, của con em, liệu chúng ta có đổ lỗi mãi cho mặt trái của cơ chế thị trường được không, có đổ lỗi mãi cho vấn đề của mạng xã hội được không?”.

Nhắc lại thời ông đi học phổ thông, ĐB Phương cho hay, việc “lưu ban là chuyện bình thường” dù trường chỉ có 40% học sinh tốt nghiệp.

“Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt của thầy cô là đúng. Nhiều người bây giờ làm ông bà, làm cha mẹ, làm lãnh đạo quay lại thời học sinh có nhiều điều thấy sự trách phạt đó là những bài học cho chúng ta hôm nay”, ông Phương nhấn mạnh.

Vậy bây giờ thì sao? Theo ĐB, “cái gì cũng sợ”. Sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì buồn nên đổi mới đánh giá không cần dùng điểm. Cho lưu ban, không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương.

“Thầy cô bây giờ không dám động gì, không dám nghiêm khắc với học sinh”, ông Phương nói, bây giờ buộc phải lên lớp hết, phải đỗ hết. Nhưng tỷ lệ 100% khá giỏi có đáng mừng hay không?

Vì vậy, ông đề nghị, quy định chỉ quy định, độ tuổi vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 không dưới 11 tuổi, vào lớp 10 không dưới 15 tuổi. Còn trên tuổi là bình thường, vì việc học là suốt đời.

Vị ĐBQH đoàn Ninh Bình còn bày tỏ sự nuối tiếc khi cuộc vận động "hai 0", nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực không thực hiện nữa, chỉ vì “khi làm thật, tỉ lệ tốt nghiệp không cao như vẫn thường mong”.

Chung mối quan tâm, ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, theo dự luật, với học sinh học trễ, tuổi cao hơn thì chỉ có 6 trường hợp được đi học gồm: người dân tộc thiểu số; khuyết tật, kém phát triển; mồ côi, không nơi nương tựa; hộ nghèo; người nước ngoài về nước; ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, theo ĐB, nếu quy định “cứng” như vậy thì có những trường hợp như con em đang mắc bệnh phải điều trị, bỏ dở qua năm học không thể vào học được. Vì vậy, ông đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Gian lận thi cử: “Đặt con cháu vào thói quen không có lòng tự trọng”

Nhắc đến “những tiêu cực thi cử ở một số nơi bị phát hiện đã đưa giáo dục vào tâm điểm dư luận vào suốt thời gian dài và chưa dừng lại”, ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) lưu ý, vai trò và trách nhiệm của gia đình cần phải suy xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề.

ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

“Cái sai của người lớn từ trong gia đình đến xã hội không chỉ là hệ lụy quá lớn trong giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách một con người.

Sẽ đau xót và thậm chí phẫn nộ khi nhắc lại vấn đề này nhưng để thấy cha mẹ và người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định.

Tuy nhiên, việc tạo điều kiện đó lại đi theo 1 cách thức phi giáo dục, như vậy, gia đình ở khía cạnh này có phải là thành trì và bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát những giá trị lệch lạc trong giá trị nhân cách của các em”, ông Nhân phân tích.

ĐB Nhân cho rằng, sẽ rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung.

Cùng vấn đề gian lận thi cử làm rúng động dư luận thời gian qua, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu và những cán bộ có con em được nâng điểm cũng phải đặt ra, làm rõ.

“Mấy ông dính líu gian lận thi cử vừa rồi đều thuộc cán bộ địa phương, là những người do địa phương đào tạo, cất nhắc, bổ nhiệm. Trách nhiệm trước hết của chính quyền địa phương chứ không đổ cho Bộ Giáo dục Đào tạo được. Còn Bộ phải có trách nhiệm rà soát xem chỗ nào hở trong quy trình đang bị lợi dụng để bịt lại.

Sau một hồi khởi tố, điều tra đều mấy ông địa phương bị bắt, điều đó cũng cho thấy trách nhiệm ở đâu. Cái gì thuộc Bộ thì phải nhận, còn cái gì của chính quyền địa phương thì chỉ ra”, ông Sơn nói.

Theo ĐB đoàn Đà Nẵng, trách nhiệm là “địa chỉ cụ thể, con người cụ thể chứ không phải cái gì đó chung chung. Ai vi phạm? Vì sao vi phạm? Rõ ràng họ có lợi ích nên lợi dụng kẽ hở”.

“Pháp luật không bao giờ là hàng rào kín được hết, chỉ là hành lang pháp lý, khuôn phép để mọi người đi trong hành lang đó, anh bẻ rào chui ra là vi phạm”, ông Sơn nói và nhấn mạnh, qua vụ việc này “điều đáng lo ngại nhất là đặt con cháu chúng ta vào thói quen không có lòng tự trọng”.

Hương Giang