Nhiều ý kiến tranh luận, băn khoăn xung quanh vấn đề này được đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) chiều ngày 10/8.

“E rằng không có vụ nào đưa ra tòa…”

So với Dự thảo Luât PCTN (sửa đổi) trình ra Quốc hội kỳ họp 5, ngoài phương án 1 (thu thuế thu nhập cá nhân), phương án 2 (xử phạt hành chính), Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình Dự án Luật PCTN (sửa đổi) đề xuất thêm phương án mới.

Đó là, xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại tòa án (phương án 3).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phương án 3 có nhiều ưu điểm, vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của luật hiện hành, vừa bảo đảm được tính khách quan, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên.

Sau khi cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 (xử phạt hành chính) có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn.

Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về 02 phương án: Thu thuế thu nhập cá nhân và xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

Cho ý kiến, theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự ưu thế hơn so với các phương án khác. Nhưng ông lại băn khoăn tính khả thi.

Ông Học cho rằng, phương án này sẽ khả thi nếu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có khả năng, năng lực và có vị trí độc lập.

“Hiện nay cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là bộ phận tổ chức, thanh tra, là cơ quan tham mưu trong 1 cơ quan thì anh có dám khẳng định kê khai của các lãnh đạo giải trình không hợp ý và yêu cầu ra tòa không?”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói và e rằng, khi luật ban hành “không có vụ nào đưa ra Tòa”.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng không ủng hộ phương án thu thuế thu nhập cá nhân mà đề xuất chọn phương án xử phạt hành chính vì vừa bảo đảm tính nghiêm minh của nhà nước, vừa xử phạt được 45% tài sản.

Xin ý kiến Bộ Chính trị, ĐBQH chuyên trách

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cả 3 phương án còn nhiều băn khoăn và ông không đồng ý với cả 3 phương án.

Toàn cảnh phiên họp cho ý kiến vào Dự án Luật PCTN (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

“Tôi đánh giá cao ý chí của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Các đồng chí có quyết tâm rất cao, luôn luôn suy nghĩ trình bày cái mới. Thế nhưng luật pháp và những vấn đề liên quan đến PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì phải chặt chẽ”, ông Hiển nói và đặt vấn đề, thế nào là giải trình hợp lý, thế nào là giải trình không hợp lý. Nếu không cẩn thân thì luật sẽ “cao su” lúc giãn ra, lúc co vào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các nước có công cụ rất quan trọng là công cụ thuế và quản lý rất chặt chẽ tất cả các khoản thu nhập của công dân.

“Cứ có thu nhập là có nộp thuế. Hệ thống thang bảng rất nhẹ nhàng. Anh trốn thuế thì có hành vi xử phạt, trốn thuế nặng thì xử hình sự”, ông Hiển nói và cho rằng, cần củng cố lại hệ thống thuế; kiểm soát qua việc thanh toán không dùng tiền mặt. Còn khi chứng minh được tài sản hình thành từ hành vi tham nhũng thì thu hồi 100%.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thì đề nghị, UBTVQH chỉ cho quan điểm là chọn phương án thu thuế, xử phạt hành chính hay ra toà, còn xử lý cụ thể từng phương án thì để cho cơ quan chuyên môn thực hiện.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, Quốc hội đã thảo luận tại 2 kỳ họp, dự kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua để đáp ứng yêu cầu PCTN hiện nay.

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc vẫn còn 3-4 phương án và phương án nào cũng có lý lẽ, lập luận cả. Qua thảo luận, cân nhắc thì “gút” lại 2 phương án.

Phương án thứ nhất là giải quyết bằng tố tụng dân sự tại tòa. Tinh thần, coi tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được phải qua tòa án để tòa án phán quyết theo trình tự tố tụng dân sự, có tranh tụng của các bên, có luật sư, tài liệu, chứng cứ trình bày để tòa phán quyết quyền sở hữu của người có tài sản hay của nhà nước.

Thứ 2 là phương án thuế. Coi như khoản thu nhập tăng thêm, không chứng minh được bất hợp pháp thì phải coi như hợp pháp thì phải đóng thuế. Còn khi chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có và có nguồn gốc từ tham nhũng thì phải tịch thu.

“Các cơ quan hữu quan sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án xử lý như thế để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh PCTN nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta. Sau đó, chúng ta cũng phải tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách và các cơ quan, chuyên gia cho ý kiến trước khi trình ra UBTVQH tại phiên họp tháng 9 trước khi trình ra Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại.

Hương Giang