Theo kế hoạch, tới đây sẽ thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị, Tổ Công tác đặc biệt này phải xác định trọng tâm, ưu tiên cải cách và chịu trách nhiệm chứ không để các bộ, ngành đề xuất từ dưới lên vì “họ sẽ đề xuất cái dễ”.

“Thành viên Tổ Công tác nên chịu trách nhiệm cá nhân”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh, “nếu mời các bộ, ngành mà đại diện cho bộ thì không thể vượt được chỉ đạo của Bộ trưởng”.

Phó Viện trưởng CIEM nói thêm, “họ đến Tổ công tác mà chỉ ngồi với vai của bộ thì không thể phát biểu trái với Bộ trưởng được. Hoặc khi công văn gửi về bộ thì bộ có thể cử 1 thành viên mà Tổ công tác không mong muốn”.

“Nâng điểm nhưng lại tụt hạng”

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng cho hay, những năm qua, Thủ tướng rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và thực tế đã làm được nhiều việc.

“Nhưng các nước cũng cải cách rất mạnh. Cho nên, chúng ta nâng điểm nhưng lại tụt hạng dù quyết tâm rất nhiều”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện đang thực hiện 1 nghị định sửa nhiều nghị định; ban hành 1 nghị định mới thì bãi bỏ 1 nghị định cũ. Trong khi, ở Anh, với kinh nghiệm 72 năm thực hiện cải cách “họ đã đạt mức độ cao khi ban hành 1 văn bản mới thì huỷ 3 văn bản cũ”.

“Văn phòng Chính phủ sẽ là cầu nối thúc đẩy, hỗ trợ. Phía Anh cũng sẽ có chuyên gia giúp ta cải cách”, ông Dũng thông tin.

Một vấn đề nữa, theo Bộ trưởng, phải kiểm soát việc ban hành thông tư vì “rào cản rất lớn là ở đây”. Bởi thực tế, 1 nghị định có đến 5-7 thông tư của bộ đưa ra. Chưa kể, thông tư đang thực hiện thì cấp cục lại ra văn bản bỏ không thực hiện 1 điều trong thông tư quy định.

“Lộm nhộm như thế là không được, toàn rế cao hơn nồi”, ông Dũng gay gắt, tới đây, cần thực hiện 1 thông tư ban hành mới phải huỷ bỏ 2 thông tư cũ và phải tiến tới hạn chế ban hành thông tư.

“Ban hành nghị định đủ điều kiện rồi thì không cần ra thêm văn bản hướng dẫn nữa”, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng nêu.

Sẽ cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản

Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến năm 2025).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng đặt vấn đề, tại sao là 20%, cần phải đánh giá thực chất cho việc kiểm điểm.

“Khi Thủ tướng hỏi vì sao đưa ra 20% ta phải có lý luận nên phải thống kê được ngay điều kiện kinh doanh đang được điều chỉnh bởi bao nhiêu văn bản”, ông Dũng nói.

Nêu ý kiến, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính băn khoăn khi mục tiêu là cắt giảm số lượng văn bản.

“Quan trọng nhất là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành”, ông Trường nói. Theo ông Trường, cắt giảm văn bản nhưng chưa chắc đã cắt giảm được điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành.

Hơn nữa, ông Trường cho rằng, nếu đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% văn bản thì cũng “chưa khả thi”.

“Để bảo đảm tính khả thi, tôi cho rằng, nên yêu cầu các bộ, ngành rà soát đề xuất các phương án cắt giảm. Trên cơ sở đề xuất đó, Văn phòng Chính phủ tham mưu báo cáo Thủ tướng ban hành một quyết định riêng đối với từng ngành, lĩnh vực. Vì hiện nhiều bộ ngành đã cắt giảm tương đối nhiều. Nếu áp đặt một mức khống chế nữa, đánh đồng các bộ, ngành thì tính khả thi chưa cao”, ông Trường phát biểu.

Ở chiều ngược lại, ông Hiếu cho rằng, ở đây không phải bãi bỏ cơ học các văn bản mà phải thay đổi tư duy quản lý, làm sao đạt hiệu quả, nhưng ít tốn kém, ít chi phí cho doanh nghiệp.

“Tôi đồng ý với Chính phủ là phải bãi bỏ những công cụ quản lý không phù hợp. Nguyên tắc 1 đổi 1 (ban hành 1 nghị định mới thì bãi bỏ 1 nghị định cũ – PV) đã được kiểm chứng. Cắt bỏ ở đây là cắt bỏ các quy định”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng CIEM lưu ý, có rất nhiều các quy định không phải là điều kiện kinh doanh, cũng không phải là kiểm tra chuyên ngành nhưng “tạo ra rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp”.

“Các bộ, ngành muốn sửa gì thì sửa nhưng phải giảm được chi phí cho doanh nghiệp thì đây mới là cái tốt”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm đồng ý với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí cho doanh nghiệp.

Hương Giang