Chiều ngày 13/12, Ban Dân vận Trung ương, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả “năm dân vận chính quyền” 2019.

“Chủ tịch đối thoại không thành công thì Bí thư đối thoại”

Theo đánh giá tại hội nghị, việc triển khai, thực hiện “năm dân vận chính quyền” 2019 tiếp tục được các cấp uỷ, tổ chức đảng, Ban cán sự đảng và chính quyền các cấp quan tâm, tạo bước chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn. “Người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người”, Phó Trưởng ban Dân vận Hà Ngọc Anh thông tin.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, đa số cán bộ làm công tác tiếp dân được lựa chọn là những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ và kỹ năng dân vận, vận động công dân tốt.

“Việc phối hợp bố trí luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại trụ sở tiếp công dân có tác động tích cực tới thái độ của người dân đến khiếu kiện, làm giảm căng thẳng và nguy cơ mất an ninh trật tự”, ông Lê Minh Khái nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, “nếu tất cả cán bộ tiếp dân có được đổi mới thì chúng ta mới có nhiều hi vọng tiếp tục có những cải thiện tốt hơn”.

Theo bà Mai, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2019 đã mạnh mẽ, quyết tâm hơn. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã “đương đầu, đối mặt với những việc khó để xử lý” như vụ Đồng Tâm (Hà Nội), Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). 

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, với các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét đầy đủ, thấu đáo để có biện pháp giải quyết.

“Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, khắc phục, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình ở địa phương. Nếu đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình cần kiên trì giải thích, thuyết phục để công dân hiểu, chấp hành và công khai kết quả giải quyết, thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết.

Nếu người khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại”, Tổng Thanh tra nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng.

Các cấp, ngành cũng quan tâm nhiều hơn đến đạo đức công vụ, cải cách hành chính, tiếp dân, đối thoại, lắng nghe, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội.

“Cái này thấy rất rõ. Nhiều chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại. Phó Chủ tịch đối thoại không thành công thì Chủ tịch. Chủ tịch đối thoại không thành công thì Bí thư. Như ở Quảng Ngãi, Chủ tịch đối thoại không được, Bí thư Tỉnh uỷ đứng ra. Cuối cùng thấy, nhà máy rác đó có những vấn đề không đúng và Bí thư hứa với dân “cho chúng tôi 2 năm để xử lý, sau 2 năm chúng tôi di chuyển”, dân đồng thuận”, bà Mai nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, khi đối thoại với dân phải kiên trì, phải vì cuộc sống của người dân để giải quyết và  “sai là phải xử lý, mình không xử lý cán bộ, dân không nghe đâu”.

Bên cạnh đó, trong năm “dân vận chính quyền”, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được tăng cường. Qua đó, tiếp tục cải thiện tốt hơn quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, góp phần làm tăng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Làm “dân vận chính quyền” không có gì cao xa

Đi cùng với các ưu điểm, Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng chỉ ra 4 hạn chế, tồn tại. Đó là, còn một bộ phận của người dân còn khó khăn; lĩnh vực đất đai, môi trường tiềm ẩn phức tạp và sẽ bùng lên nếu chính quyền giải quyết không đúng pháp luật, thái độ hành xử của cán bộ không đàng hoàng.

Toàn cảnh hội nghị

Một số bức xúc, nổi cộm trong đời sống của nhân dân chưa giải quyết dứt điểm, trong đó có những bức xúc nổi cộm của thế hệ trước. Đáng lưu ý, có tình trạng những đơn thư khó thì “đẩy” cho Trung ương.

Hạn chế nữa được bà Mai nhắc đến là một phận người đứng đầu, cán bộ, công chức trong quá trình quan hệ với dân chưa bảo đảm đúng pháp luật, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa gương mẫu, còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn các kết quả đã đạt được. Từ đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm để làm sao đi vào thực chất.

“Tôi đi kiểm tra, có nơi đề nghị Ban Dân vận Trung ương tập huấn. Tôi nói không có gì phải tập huấn hết. Dân vận chính quyền là gì? Là anh có chức năng, nhiệm vụ như thế nào thì “làm ơn, làm phước” làm cho tốt và cử xử tử tế với dân. Anh là cán bộ tư pháp thì phải làm tròn trách nhiệm tư pháp, anh là cái bộ lao động thương binh xã hội thì làm chính sách xã hội cho tốt… thế thôi”, bà Mai chia sẻ.

Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ, “làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, người dân yên tâm, tin cậy thì đó là dân vận chính quyền chứ không có gì cao xa”.

Cũng theo bà Mai, cần đưa công tác dân vận chính quyền là việc làm thường xuyên. Năm 2020, Ban Dân vận Trung ương dự kiến phát động là năm “dân vận khỏe” trong toàn hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là cơ quan hành chính Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức.

Năm 2019, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 28.428 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,2%.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.

Tổ Công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình làm Tổ trưởng cũng trực tiếp kiểm tra 8 tỉnh, TP, chỉ đạo giải quyết 18 vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Tổ Công tác của Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Hương Giang