Ngay khi vừa kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ mới “bắt tay ngay vào công việc” với tâm thế "quyết tâm, không chùn bước; không để cạn kiệt ngân sách; không để doanh nghiệp kiệt sức; không để người dân đói đau, bệnh tật; không để chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và đặc biệt Chính phủ chúng ta không để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu tràn lan trong xã hội".

Lo ngại nợ công nhanh chóng chạm trần

Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015 về kinh tế - xã hôi, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao khi Chính phủ đã ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn. “Chúng ta đã cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thương mại từ nhập siêu trên 10% kim ngạch xuất khẩu đến nay chỉ còn 2%. Nhất là, có 3 năm xuất siêu là thành công rất đáng ghi nhận”, ông Ngân nói.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ cũng bày tỏ quan điểm, không thể phủ nhận trong 5 năm vừa qua, việc điều hành chính sách tiền tệ đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Lạm phát được kiểm soát, kiềm chế từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015. Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm xuống còn 2,55%, các ngân hàng yếu kém, nguy cơ đổ vỡ được khắc phục, an ninh tiền tệ được củng cố.

An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Nhưng nhiều chuyên gia không hết lo lắng! Bội chi liên tục ở mức độ cao, vượt mức Quốc hội cho phép. Năm 2015, bội chi đã lên đến 6,11%. Cơ cấu ngân sách có những biểu hiện chưa thật lành mạnh, riêng chi thường xuyên chiếm 64, 65% tổng chi ngân sách. Nợ công thì tăng cao, cuối năm 2015 nợ công tăng lên 62,2% GDP, đáng chú ý là nợ Chính phủ đã lên đến 50,3% GDP, vượt mức Quốc hội cho phép, đó là 50% GDP.

Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cảnh cáo, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp, lại đang có xu thế giảm là vấn đề gây quan ngại. Việc tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức khoảng 2 tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Các khoản nợ có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65% GDP.

Số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động lại ngày càng tăng. Năm 2010, có 40.000 DN ngừng hoạt động thì đến cuối năm 2015 đã lên đến 71.391 DN phải ngừng hoạt động. Thêm vào đó, là thực phẩm “bẩn”, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, bộ máy nhà nước thì cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, tình hình Biển Đông phức tạp… Điều này đặt ra bài toàn nan giải cho Chính phủ mới trong giai đoạn tới.

Mạnh mẽ, quyết đoán, bắt tay ngay vào công việc

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Đặng Thành Tâm bày tỏ, nếu chúng ta không quyết liệt, không có chính sách thì DN không vươn lên được. “Nòng cốt của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm là DN nhỏ và vừa. Chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách đột phá kinh tế, nhưng phải quyết liệt hơn nữa. Muốn DN nhỏ và vừa phát triển được, chúng ta phải mở cửa cho họ tiếp cận với tài nguyên đất nước, đi cùng xây dựng cơ chế chính sách. Giới DN chúng tôi đặt nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào Chính phủ mới sẽ có những đột phá mới, mạnh mẽ”, ông Tâm nói.

Trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi của thực tế, ngay sau khi kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiêu họp với các thành viên Chính phủ mới và yêu cầu, bắt tay ngay vào công việc, không để ảnh hưởng đến việc chung của đất nước, nhân dân. Nhất là phải nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm.

Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề bức xúc của nền kinh tế, không để DN kiệt sức, nhân dân hoang mang, lo lắng. Ngay trong tháng 4 này, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị phát triển DN tại TP Hồ Chí Minh để khôi phục niềm tin của DN và xã hội nhằm hỗ trợ cho DN phát triển; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và đề ra các giải pháp căn cơ về an toàn thực phẩm; huy động các lực lượng để phòng, chống thiên tai...

Cùng với đó, cân đối lại chính sách tài khóa, thu chi ngân sách. Ông Thụ hiến kế: “Điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát tình hình thực tiễn, hết sức linh hoạt, thận trọng, lấy mục tiêu ổn định kinh tế, ổn định tiền tệ làm mục tiêu hàng đầu, không phát triển nóng. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên tăng cường chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, từng bước làm lành mạnh hóa ngân sách nhà nước”.

Phiên họp Chính phủ. Ảnh: Thảo Nguyên

Việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa. “Khi điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, dịch vụ y tế cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng điều chỉnh thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, điều chỉnh dồn dập sẽ gây lạm phát tâm lý”, TS Trần Hoàng Ngân lưu ý.

WB cũng cho rằng, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn, như tăng tốc độ tái cơ cấu, quan tâm giải quyết các rủi ro tài khoá, chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra, thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỉ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn: “Tư lệnh ngành” phải có trách nhiệm và dám quyết

“Tư lệnh ngành” cần có quyền hạn nhất định để thực hiện được trọng trách của mình, đó là đòi hỏi. Thứ hai, bản thân những người đó cũng phải thể hiện trách nhiệm, quyết tâm trong việc giải quyết những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình.

Đề cập chuyện này để khẳng định, có chuyện “tư lệnh ngành” nói không được toàn quyền, nhưng cũng có chuyện “tư lệnh ngành” không dám quyết mà cái gì cũng cũng chờ Chính phủ quyết hay cho phép. “Tư lệnh ngành” có quyền quyết thì phải sử dụng quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Quan điểm của tôi là ủng hộ làm sao các “tư lệnh ngành” có nhiều quyền hạn hơn, dần dần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu: bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực. “Tư lệnh ngành” phải có quyền và chịu trách nhiệm cũng như phải vươn lên để đủ khả năng quyết đáp những gì thuộc trách nhiệm của mình mà không phải xin ý kiến.

Tất nhiên cái gì thuộc đường lối của Đảng thì phải chấp hành, nhưng đã trao quyền thì phải đủ khả năng thực hiện quyền đó. Mong lĩnh vực nào cũng có những đồng chí “tư lệnh ngành” mạnh mẽ.

Chống tham nhũng: Mất vài cán bộ, giá có đắt nhưng cắt ra miếng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị của chúng ta đã nỗ lực cố gắng, nghiêm túc thực hiện nhưng rõ ràng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước chuyển biến vẫn chậm. Theo tôi xây dựng một kế hoạch phát triển có thể từ dưới lên nhưng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì phải từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Tôi nghĩ chúng ta không sợ mất cán bộ, vì chính sự làm gương có sức mạnh răn đe và phòng ngừa.

Bác Hồ ngày xưa trong kháng chiến khó khăn như vậy vẫn kiên quyết bác đơn xin ân giảm của một đại tá về quân nhu, rất đau xót nhưng vẫn làm. Huống hồ chúng ta bây giờ có cả Bộ Luật Hình sự với những quy định cứng như thép và cũng dẻo như thép thì tại sao còn sợ. Mất một vài cán bộ có thể rất đau xót nhưng để làm gương cho nhiều người, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì giá đó tuy có đắt nhưng cắt ra miếng và rất đáng làm.


Phấn đấu GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD

Quốc hội đã thông qua nghị quyết kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 khoảng 4% GDP; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.

Các chỉ tiêu về xã hội phấn đấu, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; đến năm 2020 có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.

Thảo Nguyên