Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) Khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ này, QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng khác.

"Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để QH có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân", Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

2019 - “năm bứt phá”

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, 12 chỉ tiêu năm 2018 đều đạt và vượt, trong đó có chỉ tiêu vượt cao hơn số đã báo cáo QH. Bước sang năm 2019, Chính phủ xác định đây là “năm bứt phá” để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Theo ông Trương Hòa Bình, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh. Chính phủ cũng "tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát".

Công tác thanh tra được đẩy mạnh; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Các cơ quan chức năng cũng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong đó, có vụ AVG, “Vũ Nhôm”, “Út Trọc”, mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, cảng Quy Nhơn và các vụ án liên quan đến một số ngân hàng thương mại...

Bên cạnh kết quả đạt được, theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. “Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường”, Phó Thủ tướng nói.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa đáp ứng yêu cầu; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Chi ngân sách ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tiết kiệm. Những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… vẫn xảy ra, gây bức xúc xã hội.

“Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả”, ông Trương Hòa Bình nêu rõ.

Sớm ban hành kết luận thanh tra các vụ dư luận quan tâm

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2019, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Đầu tiên là "kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng".

Trong đó, liên quan đến việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3, Phó Thủ tướng cho hay, các cơ quan chức năng đang "thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật".

Với nhóm giải pháp tiếp theo, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

"Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế", ông Trương Hòa Bình cho hay.

Chính phủ cũng đề cập đến việc kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử; kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, sẽ thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

"Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...", ông nói.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp 7, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: HG

 

Chính phủ còn kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan chức năng sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng.

Ngoài ra, sẽ chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động, lợi dụng mạng xã hội chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm; kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", các loại tội phạm gây bức xúc xã hội...

Cần báo cáo đầy đủ cơ sở tăng giá xăng, điện

Thẩm tra báo cáo nêu trên, Uỷ ban Kinh tế của QH đề nghị, Chính phủ đánh giá đầy đủ thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả kinh tế xã hội năm 2018. Trong đó, làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và việc sử dụng nguồn vốn này; các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

“Tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI từ đó hoàn thiện chính sách về FDI”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng nói.

Mặt khác, chi phí không chính thức giảm nhưng còn cao, gia nhập thị trường khó khăn; doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn và tiếp cận vốn hạn chế. Vấn đề chuyển đổi số tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số chưa được triển khai.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng như việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất…

“Đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế còn đề nghị, Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.

Năm 2019 là năm "bứt phá" để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, theo Ủy ban Kinh tế, bên cạnh các giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ thì cần quan tâm giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng và giao thông.

Cùng đó, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Mặt khác, ông Thanh lưu ý, cần triển khai quyết liệt,đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; chấn chỉnh công tác quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản…

Cử tri ủng hộ chống tham nhũng “không có vùng cấm”

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn, cử tri, nhân dân hoan nghênh và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thực hiện “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục.

“Cử tri, nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Trần Thanh Mẫn nói.


Hương Giang