Làm việc phải “công tâm”. Trong “Báo cáo của phân đội Việt Nam thuộc Hội quốc tế chống xâm lược” do Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, họp tại Liễu Châu (Quảng Tây - Trung Quốc) từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 3 năm 1944, ở mục “III - Cách lãnh đạo”, Người cho rằng: Về tư cách mà nói, mỗi người một tư cách khác nhau: Một số là những người tài giỏi; một số là những bậc lão thành, có danh vọng được nhân dân tín nhiệm. Tuy vậy, họ giống nhau ở chỗ đều là những nhân sĩ thiết tha yêu nước, liêm khiết, trung thực, công tâm. Đối với cán bộ thanh tra, Người yêu cầu cao hơn về phong cách làm việc công tâm: “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh” (1). Vì theo Người: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo” (2).

Làm việc có khoa học, “thạo việc”. Làm việc có khoa học, thạo việc theo Người là “làm việc đúng hơn, khéo hơn”, có kết quả; còn làm việc không có khoa học tức là làm việc “không đúng, không khéo”, tùy tiện, gặp đâu làm đấy, nên thường mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm, hoặc không có kết quả, thậm chí thất bại. Theo Người, nếu mỗi cán bộ thanh tra làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của họ còn to tát hơn nữa; nếu làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm; khuyết điểm nhiều thì thành tích ít; khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Do đó, Hồ Chủ tịch chỉ ra yêu cầu bố trí cán bộ làm công tác thanh tra đó là: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm” (3)

Nước ta đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy, cách làm việc của nhiều người còn theo lối thủ công, chưa khoa học. Đó là thói quen làm việc tự do, tùy tiện, được chăng hay chớ, thiếu điều tra, nghiên cứu, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu cụ thể, thiếu trật tự, bảo thủ, trì trệ, gây lãng phí thời giờ, tiền bạc và của cải... Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi làm việc, cán bộ nói chung và cán bộ thanh tra phải: Thứ nhất, phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc là “phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, óc nghĩ, miệng nói, tay làm”; phải cẩn thận mà nhanh nhẹn; phải làm đến nơi đến chốn; phải biết động viên mọi người, những bộ phận giúp việc, những người cộng sự. 

Thứ hai, không tham làm nhiều trong một lúc, mà làm xong việc này mới sang việc khác, làm đến đâu chắc đến đó, làm từ việc gốc, việc chính, từ việc nhỏ đến việc lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta thường tham lam làm nhiều việc trong một lúc… Thành thử, “ăn nhiều, nuốt không xuống”. Chúng ta không biết tập trung lực lượng làm xong một nơi, lấy đó làm kinh nghiệm, rồi làm nơi khác” (4)

Thứ ba, cần tránh bệnh chủ quan khi làm bất cứ công việc gì. Có thể mục đích, chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra rất đúng, nhưng do chủ quan trong quá trình thực hiện nên tiến hành không sát, không đúng làm cho kết quả công việc hạn chế, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại. Vì thế, Người căn dặn: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm” (5).

Làm việc phải xác định rõ mục đích và có kế hoạch. Theo Người, mục đích lớn lao là đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào, đối với ngành Thanh tra, mục đích ấy chính là làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của ngành: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” (6). Do đó, mọi hoạt động của cán bộ thanh tra phải nhằm mục đích thực hiện vẻ vang đó. Người yêu cầu, làm bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, trước hết phải xác định được phương hướng, mục đích thật rõ ràng, cụ thể và sát hợp: “Hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào” (7). Để làm được điều đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ thanh tra phải khắc phục một số khuyết điểm của ngành như: “Một số cán bộ thanh tra còn rụt rè, nể nang đối với một số cán bộ cao cấp của các cơ quan được kiểm tra, buông trôi việc theo dõi các cơ quan sửa chữa khuyết điểm sau khi được kiểm tra, cách làm việc còn chậm chạp, không kịp thời giải quyết một số thư khiếu nại của nhân dân...” (8)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mỗi công việc được giao, khi đã xác định rõ mục đích thì phải vạch ra kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể để thực hiện đạt kết quả. Kế hoạch là dự án được thể hiện thành các chỉ tiêu, các biện pháp, các công việc chủ yếu nhằm thực hiện phương hướng, mục đích đã đề ra. Về cách làm việc có kế hoạch, dù đó là việc to hay việc nhỏ: “Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy. Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau” (9). Đồng thời, Người nhấn mạnh xây dựng kế hoạch làm việc cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế, Người giải thích: “Cây gỗ bất kỳ to nhỏ, đều có gốc và ngọn. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà lại để sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít” (10)

Để xây dựng phong cách làm việc của cán bộ thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay: Một mặt, phải quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và vận dụng sáng tạo toàn diện tư tưởng của Người về phong cách làm việc: thật sự “công tâm, thạo việc”, có mục đích và có kế hoạch rõ ràng. Mặt khác, thực hiện: “Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình” (11).

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.123
(2), (3), (4), (5) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr.473; tr.637; tr.282; tr.337
(6), (8) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, tr.35; tr.35
(7) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr.122
(9), (10) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.119; tr.118-119
(11) Phạm Văn Đồng: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì?, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.32

TS Hà Sơn Thái
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng