Chiều ngày 5/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Tư pháp cho ý kiến báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo, theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, công tác PCTN năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

6 cán bộ vi phạm kê khai tài sản, thu nhập

Công tác minh bạch tài sản, thu nhập tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc. 

Số người đã kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai cũng đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai.

44 người thuộc diện kê khai đã được xác minh tài sản, thu nhập. Theo báo cáo, việc này chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Còn một số trường hợp được xác minh do quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc dư luận, phản ánh của nhân dân, báo chí.

Qua đó, phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm trước). Đến nay, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP Hà Nội.

Phó Tổng Thanh tra cũng cho hay, năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Các tỉnh, thành có người đứng đầu bị xử lý gồm: Cần Thơ (2 người); Vĩnh Phúc (1 người); Tiền Giang (1 người); Thái Nguyên (1 người); Tây Ninh (1 người); Quảng Trị (4 người); Quảng Ngãi (1 người); Ninh Bình (1 người); Nghệ An (2 người); Kiên Giang (2 người); Hà Tĩnh (2 người); Gia Lai (2 người); Đồng Tháp (2 người); Điện Biên (5 người); Bình Thuận (1 người); Cà Mau (1 người).

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ, công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực.

Thậm chí, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Yên Bái…

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.

Thậm chí, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong kỳ, cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao thụ lý điều tra 22 vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, trong đó án mới khởi tố trong kỳ 17 vụ/23 bị can.

Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng

"Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN", Phó Tổng Thanh tra cho biết.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, theo Phó Tổng Thanh tra, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.

Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai… 

Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; xem xét, thông qua Luật PCTN sửa đổi…

Đề nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

- Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 26,7% số vụ).

- Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng (tăng 52,2% số vụ);

- Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ).

- Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng. Kết luận điều tra 186 vụ, 432 bị can; tạm đình chỉ điều tra 7 vụ, 13 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ, 04 bị can; chuyển cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao 4 vụ, 6 bị can; hiện đang điều tra 176 vụ, 315 bị can.

- Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 233 vụ/553 bị can (án mới 198 vụ/484 bị can); đã giải quyết 215 vụ/510 bị can, đạt tỷ lệ 92,3 %, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: truy tố 210 vụ/500 bị can, chiếm 97,7% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 2 vụ/ 4 bị can, tạm đình chỉ 3 vụ /6 bị can.

- TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo (giảm 9,2% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 157 vụ, 398 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,5% (giảm 0,2% so với cùng kỳ). Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).

- Thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỷ đồng, trên 12.000m2 đất, đã thu hồi trên 2.200 tỷ đồng và nhiều tài sản.

Hương Giang