Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong năm 2019, toàn ngành quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; đổi mới tư duy và hành động để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Tăng cường rà soát, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, góp phần để khơi thông các nguồn lực tài nguyên, thúc đẩy thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, thắt chặt quản lý môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

An ninh nguồn nước từng bước được đảm bảo; tài nguyên nước điều tiết, sử dụng hài hòa phục vụ đa mục tiêu. Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được phát huy hiệu quả hơn nữa, đóng góp cho tăng trưởng sau nhiều năm suy giảm.

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ từ trong tư duy quản lý đến hành động với nhiều giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự giám sát và tham gia của người dân. Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu được đẩy mạnh triển khai như: Chuyển đổi quy mô lớn, tăng cường kết nối về hạ tầng phát triển kinh tế nhằm chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng miền khác trên cả nước…

Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT như: Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên; lượng phát thải, chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng; ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn và rác thải nhựa sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt được dự báo sẽ xảy ra ngay trong những tháng đầu năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả được mà ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2019.

Phó Thủ tướng cho rằng, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó tập trung nguồn lực sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; chủ động đề xuất các giải pháp, vấn đề liên quan đến chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên nước…

Về lĩnh vực đất đai, tình trạng lãng phí đất đai được tập trung chỉ đạo xử lý, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế, phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng, tiến trình đô thị hóa đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.

Về lĩnh vực tài nguyên nước, đã quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả hơn mang lại nguồn thu lớn; quy trình vận hành liên hồ chứa được rà soát, điều chỉnh; nguồn nước phục vụ đa mục tiêu được điều tiết; các giải pháp, đối sách trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới được chủ động đề xuất.

Bộ TN&MT cũng đã thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm để vừa đảm bảo yêu cầu tăng trưởng, vừa 

Yêu cầu đặt ra với ngành TN&MT trong năm 2020 và những năm tiếp theo là: “Quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi cho phát triển bền vững”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. 

Trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, tiếp cận cơ chế thị trường, đổi mới phương pháp định giá đất, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, đảm bảo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TN&MT cần triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển biển quốc gia gắn với các bộ, ngành liên quan; trong đó tập trung làm rõ vấn đề về đấu giá đất, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất; kiểm kê quỹ đất toàn quốc…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu; do đó Bộ TN&MT cần kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia; sớm hoàn thành việc lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông liên tỉnh…

Bộ cần tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược; tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường.

“Thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải hành động để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ với môi trường. Bởi vậy, Bộ TN&MT cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Thái Hải