Chiều ngày 6/8, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về sơ bộ về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Không làm thêm giờ, không có tiền lương nuôi con?

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) hiện có hai vấn đề đang được xã hội quan tâm là việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa và tăng tuổi hưu. 

Về làm thêm giờ, có ý kiến đề nghị phải tăng lũy tiến, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, xu hướng hiện nay là tăng năng suất, tăng lương giảm giờ làm, tại sao lại quy định vậy?

“Tại Bình Dương, tôi rất cảm động khi một cô người xanh xao đề nghị cho làm thêm giờ, vì nếu không làm thêm giờ sẽ không có lương ăn, không có lương nuôi con, nên sẽ làm đến lúc không còn làm được nữa. Nhưng cô ấy cũng lo lắng, làm thêm giờ như vậy, sức khỏe ảnh hưởng, lúc ốm đau thì tiền đâu chữa bệnh”, ông Lợi kể.

Từ trường hợp này, đại biểu (ĐB) Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH cho rằng, khi người lao động lên tiếng như vậy, chúng ta phải xem lại tiền lương cơ bản đã đủ nuôi sống gia đình chưa?

“Đừng để người lao động bị vắt kiệt sức như thế. Điều này cho thấy chính sách tiền lương cho người lao động có vấn đề nên phải nghiên cứu chứ không phải làm đến chết”, ông Hùng nói và nêu quan điểm, mở rộng khung làm thêm 300 giờ - 400 giờ/năm là bước thụt lùi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu thì cho rằng, phương án tăng thêm giờ lao động không quá 300 giờ mỗi năm là phù hợp. Bởi đây là nhu cầu thiết yếu của bản thân người lao động, người sử dụng lao động và bản thân các đơn vị hành chính sự nghiệp. 

“Công việc ngày càng nhiều hơn, mà cứ nói giảm biên chế, trong khi đó có 1 bộ phận đi học, 1 bộ phận nghỉ theo chế độ… Vì thế để hoàn thành nhiệm vụ thì không còn cách nào khác là phải làm thêm giờ”, ông Giàng A Chu lý giải.

Còn cách biệt tuổi nghỉ hữu giữa sĩ quan với lao động bình thường

Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Lợi, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng danh mục cụ thể, ngoài loại hình lao động bình thường, phải làm rõ những lĩnh vực, nghề nghiệp cần giảm thời gian lao động. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của QH. Ảnh: Quochoi.vn

“Có những ngành nghề không phải chỉ được quyền giảm 5 năm, mà có thể giảm tới 10 năm. Ví dụ với ngành than, lao động không thể vượt quá 50 tuổi được. Kể cả trong lĩnh vực giáo, dục y tế và một số lĩnh vực công cũng không thể làm được”, ông Lợi cho hay.

Chung quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị, làm rõ sự khác nhau giữa tuổi hưu và tuổi nghề vì hiện nay chưa rõ, khiến dư luận phản ứng. 

“Cứ lấy cán bộ công chức ra, người ta lại nói bám quyền, bám chức, còn người khác thì khổ vì không có chỗ làm”, ông Phong nói.

Cũng bày tỏ quan điểm đồng tình tăng tuổi hưu, ông Giàng A Chu cho rằng, điều này để bảo đảm sự bình đẳng và bảo đảm Quỹ Bảo hiểm xã hội về lâu dài. Nhưng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, việc sửa đổi lần này chưa tính đến sự thống nhất với một số luật khác như Luật Công an nhân dân, Luật Sỹ quan quân đội nhân dân.

“Sỹ quan hơn 50 tuổi đã nghỉ hưu rồi. Như vậy, tuổi nghỉ hưu giữa lao động bình thường với lực lượng vũ trang chưa đồng nhất. Giờ sửa luật, tăng tuổi nghỉ hưu thì nên nghiên cứu, tính toán cho phù hợp. Lực lượng vũ trang có những tính chất, đặc thù khác nhau, nhưng vẫn có sự chênh lệch rất xa”, ông Giàng A Chu phát biểu.

Ông cũng băn khoăn vì dự luật mới nói đến tính chất nghề nghiệp như một số công việc độc hại, nguy hiểm, mà chưa tính đến địa bàn khó khăn. 

“Nhiều nước, nếu đúng địa bàn có yếu tố tác động về thời tiết khí hậu thì mức lương, điều kiện khác hẳn. Vì thế, tôi đề nghị nghiên cứu và bổ sung thêm yếu tố địa bàn”, ông Giàng A Chu nêu. 

Không nói đến tiền lương thì chưa đáp ứng nhu cầu

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, luật sửa đổi lần này mà không nói đến tiền lương thì chưa đáp ứng nhu cầu. 

“Chúng ta nói đến tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm mà vấn đề tiền lương im re thì không được”, ông Giàng A Chu nói và bày tỏ quan điểm đồng tình phải đề cập đến tiền lương; đồng thời nhấn mạnh đây là chính sách cơ bản, bảo đảm cho người lao động có thu nhập, nâng cao mức sống, tái sản xuất sức lao động, nâng cao cuộc sống cho người ăn theo.

“Chính sách tiền lương phải làm sao cho người ta có thu nhập tương đối thì chắc chắn sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói thêm và đề nghị, làm rõ tiền lương tối thiểu gắn với lộ trình cải cách tiền lương.

Lý giải về tiền lương, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để thể chế hoá Nghị quyết số 27 của Trung ương, khắc phục bất cập, hạn chế, của các quy định về tiền lương. 

Cụ thể là làm rõ hơn khái niệm tiền lương, thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ “nhu cầu sống tối thiểu” sang “mức sống tổi thiểu”. Một số ĐBQH đề nghị quy định rõ cơ sở để xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. 

“Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến của ĐBQH và đã phối hợp với cơ quan thẩm tra để chỉnh lý nội dung này”, ông Diệp cho biết.

Hương Giang