Sự thành công đáng kể nhất trong năm qua đó là hoạt động thanh tra có nhiều tiến bộ rõ nét, kết quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật cao hơn nhiều so với những năm trước, kiến nghị chấn chỉnh quản lý và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực thanh tra, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt về cho Nhà nước, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các cơ quan Nhà nước và trong xã hội.

Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền tăng cao hơn so với các năm trước. Đặc biệt là đã ban hành kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định chính trị xã hội và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Triển khai thực hiện khá đồng bộ các nhiệm vụ trong phòng, chống tham nhũng, quan tâm tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện, tạo được sự đồng tình của dư luận, niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định, trong đó, có những cuộc thanh tra kết luận còn chậm, một số vấn đề bức xúc chưa được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Tình hình khiếu nại, tố cáo mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thực trạng tham nhũng mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn còn phức tạp. Đây là những thách thức rất lớn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thức XIII của Đảng. Bên cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, ngành Thanh tra cần phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động thanh tra phải hướng đến yêu cầu nhiệm vụ chính trị quan trọng là kịp thời phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần bám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, với các nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra phải triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư theo quy định; giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh; thực hiện triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình thực hiện cần quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại, hoà giải và áp dụng các biện pháp để bảo đảm cho vụ việc giải quyết dứt điểm. Ngành Thanh tra phải tận tâm, tận lực, làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; ưu tiên giải quyết kịp thời đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự dự kiến tham gia cấp uỷ các cấp.

Thứ hai, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra quan tâm triển khai các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch, gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quan tâm thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có nhiều dấu hiệu vi phạm, dư luận bức xúc, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Qua thanh tra, phải phát hiện xử lý công minh, chính xác, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cho Nhà nước; chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Thanh tra Chính phủ cần tăng cường thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; thanh tra công tác quy hoạch đô thị; việc thực hiện phòng, chống rửa tiền; Thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. 

Thứ ba, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần tiếp tục rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng làm phát sinh tham nhũng. Trong đó cần chú ý đến những khâu, những lĩnh vực quản lý quan trọng của nền kinh tế như việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước; việc thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, có số vốn lớn… nhằm tiếp tục khắc phục, giải quyết dứt điểm những sai phạm, khuyết điểm cũng như những vướng mắc, tồn tại của các dự án yếu kém, thua lỗ đã để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian qua; đồng thời, sớm đề ra biện pháp, kế hoạch cụ thể để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm ngăn chặn đối với những dự án có nguy cơ tiếp tục trở thành những dự án yếu kém, thua lỗ.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách… Thông qua hoạt động của mình, chú trọng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng và để xẩy ra tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; thực hiện tốt việc khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng. 

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, thanh tra lại các kết luận thanh tra cấp dưới; theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra; khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về việc thực hiện kết luận thanh tra.

Thứ sáu, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần đổi mới phương pháp, tăng cường chỉ đạo, điều hành; quan tâm xây dựng lực lượng thanh tra ngày càng vững mạnh, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; không ngừng rèn luyện người cán bộ thanh tra văn hoá, gương mẫu, tận tuỵ, khách quan, công tâm; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt lời huấn thị của Bác Hồ “Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới”. 

Nhân dịp Xuân Canh Tý, thay mặt Chính phủ, Tôi xin chúc các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra sức khỏe, hạnh phúc; tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Đồng chí Trương Hoà Bình
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ