QH dành 1 ngày (13/11) thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018.

110 chung cư đã cho dân vào ở khi chưa nghiệm thu chữa cháy

Trình bày báo cáo giám sát của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.

Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những nội dung không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý, trong giai đoạn giám sát, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

“Tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hoả hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?”, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt một loạt câu hỏi.

Nữ ĐB đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định.

Báo cáo giám sát cũng cho thấy, hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi.

Theo ĐB Xuân, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn. “Đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác PCCC?

Chúng tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý Nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hoả hoạn xảy ra”, bà Xuân tiếp tục nêu ý kiến.

“Làm nhiều nhưng đọng lại ít”

Nữ ĐB nhắc đến vụ nông dân Nguyễn Thị Hảo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7ha, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở nghị trường

Một nông dân khác là Phan Đình Thành, 46 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam…

"Những vụ việc như vậy khiến chúng ta rất đau lòng", bà Xuân nói và cho rằng, họ không cố tình gây cháy lớn, chỉ là do không đủ kiến thức về PCCC nên vi phạm pháp luật.

"Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương phải vào tù", bà Xuân nêu và bảy tỏ đồng tình với nhận định trong báo cáo giám sát: "Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, làm nhiều nhưng đọng lại ít. Mới chỉ tập trung tuyên truyền ở các địa bàn TP, thị trấn, còn những địa bàn ở xa thì chưa thực sự được quan tâm. Thậm chí có nơi còn “bỏ trống địa bàn".

50% phương tiện chữa cháy chất lượng kém, hưu hỏng

Kinh phí cho công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu. Thống kê cho thấy, phương tiện trang bị hiện có 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, canô chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

“Số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 29,6% tổng số xe; số lượng xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 23,5%. Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ còn thiếu”, báo cáo giám sát nêu.

Đáng lưu ý, hiện mới chỉ có 90/392 đội chữa cháy được trang bị xe thang (đạt 22,9%), 61/392 đội được trang bị xe cứu nạn, cứu hộ (đạt 15,6%).

Ngoài ra, các phương tiện chữa cháy đặc chủng như chữa cháy xăng dầu, hóa chất, chữa cháy khu công nghiệp quy mô lớn, xe cứu nạn cứu hộ công trình ngầm... còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại các cơ sở đặc thù này.

Nhiều địa phương có cảng biển, bến tàu thủy, tập trung nhiều tàu thuyền, kho bãi nhưng hầu hết chưa có tàu thủy chữa cháy..

Theo ĐBQH, qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và “bịt” lại. Kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù.

“Nhưng những lỗ hổng về nhận thức, những khoảng trống về trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”, bà Xuân đề nghị, trong nghị quyết tới đây Quốc hội sẽ ban hành quy định hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Như vậy, trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

Nguyên nhân các vụ cháy có do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.


Hương Giang